Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Người thầy có lỗi gì không?

Ngày 17/8 Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ GD- ĐT. Trong phát biểu của mình ông đã có ý kiến về "tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo và cán bộ quản lý GD, bệnh thành tích và không trung thực trong GD" .
Gần đây vấn đề được nhiều người quan tâm là chuyện "tiên học lễ, hậu học văn". Trong 1 bài viết về chủ đề này có tác giả kêu lên "có những 2 chữ học" trong câu nói trên, người khác thì cho rằng nên thay khẩu hiệu đó bằng "Học để tự lập bản thân, học để tạo lập sự nghiệp" v.v...
Điểm chung nhất là chúng ta nói quá nhiều về  "học" và về học trò, còn việc dạy và người thầy thì sao?
Người viết xin mạn phép nêu vài ý kiến của mình với tư cách là 1 nhà giáo:
Cái sự xuống cấp cả về văn hóa và đạo đức của ngành GD rất dễ tìm lỗi ở "cơ chế", ở "vĩ mô", ở sự yếu kém của công tác lãnh đạo, quản lý, ở chính sách đãi ngộ v.v... Điều ấy xin phép không đề cập trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này. Tương tự ở đây, cũng xin không nói về học trò, gia đình và xã hội.
Lời dạy "không thầy đố mày làm nên" từ ngàn xưa chỉ rõ một chân lý: Người thầy là yếu tố quyết định, thầy phải chịu trách nhiệm trước "mày" (học trò). Vậy thì trong cái mớ bòng bong các lỗi mà mà chúng ta nói gần, nói xa ấy người thầy có lỗi gì không?

Rèn nghề đối với người thầy không chỉ là kiến thức chuyên môn. Ảnh minh họa. Nguồn: Hoàng Hà/VNE
Thứ nhất, lỗi khi... chọn nghề
Từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến tận ngày nay chọn nghề sư phạm là con đường bất đắc dĩ của không ít người nếu không nói là của đa số giáo sinh. Phần vì lý lịch, phần vì năng lực yếu không thể chọn trường Y, trường Dược hay Bách khoa, Tổng hợp (ĐHQG ngày nay), nên họ chọn trường Sư phạm.
Còn bây giờ, họ chọn nghề SP do thương bố mẹ phải bòn từng hạt lúa, củ khoai cho con ăn học, để không phải đóng học phí. Chọn nghề là quyền của mỗi người không phải lỗi của "cơ chế". Không thích, không yêu thì đừng chọn. Chọn rồi mà tới trên 50% nhà giáo nói không yêu nghề thì phải hỏi lại bản thân mình, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Đã đến lúc các bạn trẻ phải dũng cảm "nói không" với mái trường SP nếu các bạn không yêu nghề dạy học và cũng đã đến lúc cần phải nói thẳng cho lớp trẻ biết rằng từ cổ chí kim nghề làm thầy chỉ đủ ăn, không bao giờ giàu.
Khi chọn nghề dạy học, bạn trẻ cần nhớ rằng đó là 1 nghề không mang lại tiền bạc và danh vọng. Và cũng đừng ôm ấp cái ảo tưởng rằng nghề dạy học là "cao quý" hơn các nghề khác. Đó là 1 nghề đòi hỏi không chỉ học vấn, trí tuệ mà lại còn vô cùng nghiêm túc trong lời ăn, tiếng nói.
Về Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều giáo viên nói... ngọng. Trao đổi về chuyện đó họ "chế biến" một câu ca dao cũ để thanh minh: "Nói ngọng là của tỉnh mình, cả tỉnh nói ngọng chứ mình em đâu".
Nếu không dạy ở "tỉnh mình' mà dạy ở tỉnh khác, học sinh sẽ nghĩ gì về người thầy "nói ngọng" của mình? Hoặc chính các em học sinh, từ môi trường sinh sống của làng quê, cũng nói ngọng mà không biết? Nếu không sửa được tật nói ngọng, hãy đừng ghi tên vào học SP.
Thứ hai, lỗi rèn nghề
Nếu chọn nghề là việc đơn phương của người học thì  rèn nghề lại là chuyện của cả 2 phía: Người dạy và người học. Bốn năm học trong trường SP mà sinh viên SP không chữa được tật nói ngọng thì sự rèn nghề coi như bằng... không. Bằng không, không phải chỉ về phía người học mà còn cả về phía người thầy.
Người viết tình cờ dự 1 bữa liên hoan gia đình, mâm cơm có gần chục người trong đó có 4 cô giáo. Cô giáo trẻ nhất xếp bát và đặt trên miệng mỗi bát 1 đôi đũa. Khi góp ý không đặt đũa trên miệng bát mọi người đếu hết sức ngạc nhiên. Chỉ đến khi giải thích rằng đũa xếp trên miệng bát là để ở mâm cơm cúng người đã khuất, mọi người mới "à hóa ra là thế".
Bắt đầu ăn, 1 cô cầm đôi đũa... khua vào bát canh 1 cái rồi mới gắp thức ăn. Nhìn động tác "rửa đũa" ấy, mà thấy ... ngượng. Mọi người đều im lặng không ai nói gì. Trong cái im lặng ấy, mỗi người theo đuổi 1 cảm nhận riêng. Còn người viết nghĩ, nên chăng trong trường sư phạm cần có cả 1 môn học dạy cho giáo sinh "học ăn, học nói, học gói, học mở"?
Có một thời báo chí nói nhiều đến "văn hóa ri- đô" trong ký túc xá trường SP. Ngày nay từ "văn hóa ri- đô" được thay bằng "văn hóa nhà trọ", "văn hóa sống thử". Có những ý kiến cho rằng đối với sinh viên, học giỏi là tiêu chí cao nhất. Điều này có thể đúng với nhiều ngành nhưng chưa đúng với ngành SP.
Kiến thức uyên bác về chuyên môn chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để tạo nên một thầy giáo giỏi. Có 1 chuyện người viết đã phải trực tiếp giải quyết.
Đang giờ lên lớp 1 cô giáo vào văn phòng khoa đặt lên bàn 1 chiếc điện thoại di động, cô yêu cầu chuyển sang lớp khác không dạy lớp hiện tại. Khi hỏi vì sao thì cô nói: "Sinh viên đặt chiếc điện thoại trên mũi giày và mở chế độ quay video". Hóa ra cô mặc 1 chiếc váy... cao trên đầu gối.
Sẽ là tốt cho đất nước và cũng là tốt cho các cá nhân nếu ai đó không yêu nghề dạy học hãy tìm việc khác, đừng bấu víu vào nghề SP, đừng reo rắc nỗi buồn của mình cho con trẻ.
Nếu được rèn nghề một cách nghiêm túc chắc chắn người thầy tương lai phải biết trang phục như thế nào là phù hợp khi lên lớp. Trang phục đẹp trong đêm dạ hội không có nghĩa là cũng đẹp trên giảng đường.
Người xưa có câu: Đi qua ruộng dưa không cúi xuống sửa giày, đứng dưới gốc cây ăn quả không đưa tay sửa mũ" để dạy về hành vi của người quân tử. Ngày nay điều ấy đã không còn được nhắc đến nữa, mà nếu có ai nhắc đến thì chắc sẽ được chụp cho cái mũ... "cổ hủ".
Rèn nghề đối với người thầy không chỉ là kiến thức chuyên môn. Một nửa sự thành công của thầy trên bục giảng là trang phục, là phong cách truyền thụ, là chữ viết. Không biết trong các trường SP có cuộc thi vở sạch, chữ đẹp?
Thứ ba, lỗi khi hành nghề.
Báo chí thống kê hàng ngàn tiến sĩ không viết nổi 1 cuốn sách, không có nổi 1 bài báo khoa học. Năng lực của những tiến sĩ ấy quả thật là yếu kém, nhưng nhờ ai mà họ  thành tiến sĩ? Đó chính là nhờ các thầy.
Các thầy hướng dẫn luận án, các thầy chấm phản biện, các thầy ngồi trong hội đồng bảo vệ luận án, các thầy cho họ thành tiến sĩ. Các thầy có biết năng lực của nghiên cứu sinh mình hướng dẫn không? Câu trả lời là vừa có, vừa không.
Có- là với các thầy được đào tạo nghiêm túc, có trình độ, năng lực thực sự, có lòng tự trọng của người thầy.
Không- là với những người được đào tạo bởi cơ chế xin - cho, họ đi dạy người khác bằng cái cách mà chính họ đã trải nghiệm.
Sự kiện "Đồi Ngô" Bắc Giang cho thấy lỗi chủ yếu là của thầy cô giáo, của những người chỉ đạo. Cầm bài đưa vào phòng thi cho thí sinh chép, đương nhiên họ không làm công không. Họ rất "dũng cảm" khi biết rằng  hành động của họ cũng chỉ mang lại cái phong bì vài trăm nghìn đồng. Phải chăng đối với họ có bị đuổi khỏi ngành cũng chẳng có gì đáng tiếc?
Bác sĩ khi hành nghề gây lỗi có thể làm chết bệnh nhân. Thợ điện khi hành nghề gây lỗi có thể làm thiệt mạng chính bản thân mình. Thầy giáo khi hành nghề gây lỗi không làm chết ai cả. Nó chỉ làm cho đất nước nghèo dần đi, xấu dần đi mà thôi. Hình thành nên đội ngũ quan tham, cung cấp cho xã hội một lớp trẻ vô cảm, có 1 phần lỗi của người thầy.
Sẽ là tốt cho đất nước và cũng là tốt cho các cá nhân nếu ai đó không yêu nghề dạy học hãy tìm việc khác, đừng bấu víu vào nghề SP, đừng reo rắc nỗi buồn của mình cho con trẻ.
Còn với những ai đó vẫn tâm huyết với nghề, hy vọng rằng chúng ta sẽ cố tìm trong cái biển buồn mênh mông ấy 1 niềm vui nho nhỏ, 1 khoảng lặng bình yên để vui với nghề, để sống với nghề và nếu có thể,  để tự hào về nghề.
Ts. Dương Xuân Thành

1 nhận xét:

  1. Bài viết hay. Tóm lại là chữ "yêu nghề", yêu con đường mình chọn, không vì ngoại cảnh mà đổ thừa cho những thứ mình tạo ra.

    Trả lờiXóa