Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa
học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy
tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn
tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động
của con người và xã hội. Ngân hàng thuộc lĩnh vực dịch
vụ tài chính, hầu hết các mảng hoạt động của khu vực ngân hàng đề gắn liền với
việc tiếp nhận và xử lý thông tin, do vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát
triển bền vững và có hiệu quả của từng ngân hàng nói chung và hệ thống ngân
hàng nói riêng.
Thực tế đã chứng
minh nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý các bài toán nghiệp vụ
ngân hàng, mở rộng các dịch vụ điện tử đã góp phần nâng cao năng lực quản lý,
điều hành của NHNN, nâng cao chất lượng tiện ích ngân hàng; quản trị điều hành
và quản trị rủi ro của các TCTD, qua đó mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có
những bước phát triển vượt bậc kể từ khi đổi mới đến nay.
Ứng dụng công nghệ
hiện đại là phương tiện giúp các ngân hàng có thể đánh bại các đối thủ cạnh
tranh, tạo ra những cơ hội giảm thiểu giấy tờ hành chính, thay đổi sự phân bố
nguồn nhân lực theo hướng giảm thiểu bộ phận nghiệp vụ và tăng cường nhân lực
cho các bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng, làm thay đổi cách thức kinh doanh
và tăng chất lượng dịch vụ. Nếu như trước đây, khi nói đến việc sử dụng các dịch
vụ ngân hàng, người ta ngầm hiểu rằng để thực hiện nó phải đi đến các chi
nhánh, phòng giao dịch, tiếp xúc với các giao dịch viên hay nhân viên tín
dụng…thì nay khái niệm này đã thay đổi rất nhiều nhờ những tiến bộ vượt bậc của
khoa học công nghệ. Sự ra đời của dịch vụ ngân hàng điện tử đã mở ra những kênh
giao tiếp điện tử hiện đại giữa khách hàng và ngân hàng thương mại như ATM,
POS, Home Banking, Phone Banking, Mobile banking, Internet Banking… Đây là sự
phát triển tất yếu bởi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu của
khách ngày càng cao và khắt khe hơn.
1. Những dịch vụ ngân hàng thương mại hiện đại
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại có thể là các dịch vụ hoàn toàn mới hoặc
cũng có thể là những dịch vụ truyền thống nay được nâng cấp trên nền tảng công
nghệ hiện đại. Một
số dịch vụ ngân hàng hiện đại đang được ứng dụng hiện nay:
- Thanh toán qua POS (Point of sale): Đây là hình thức thanh toán không
dùng tiền mặt thông qua việc sử dụng kết nối giữa thiết bị đọc thẻ (Card
reader) - còn gọi là máy quẹt (cà) thẻ/ hoặc POS với thẻ ngân hàng. Qua đó, hệ
thống tự động trích tiền từ tài khoản của người mua trả cho người bán ngay. Sử
dụng hình thức này chủ thẻ có thể thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ, rút tạm ứng
tiền mặt tại bất kỳ điểm chấp nhận thẻ nào.
- Máy rút tiền tự động hay máy giao dịch tự
động ATM (Automated Teller Machine): Thiết bị ngân hàng giao dịch tự
động với khách hàng, thực hiện việc nhận dạng khách hàng thông qua thẻ ATM (thẻ
ghi nợ, thẻ tín dụng) hay các thiết bị tương thích, giúp khách hàng kiểm tra
tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.
- Một các loại hình ngân hàng hiện đại khác:
(i) Home Banking: là sản phẩm có tính bảo mật cao
nhờ hoạt động trên mạng thông tin liên lạc cục bộ giữa ngân hàng và khách hàng
(mạng Intranet) cho phép khách hàng thực
hiện hầu hết các giao dịch chuyển khoản với ngân hàng mà không cần đến ngân
hàng. Nhờ dịch vụ này, khách hàng tiết
kiệm tối đa chi phí đi lại, chi phí thời gian mà vẫn được đảm bảo thỏa mãn nhu
cầu như kênh phân phối truyền thống. Ngoài ra dịch vụ này còn cung cấp các thông tin về
tỷ giá, lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các chương trình khuyến mại…
(ii) Phone Banking: cung cấp thông tin ngân hàng qua
điện thoại cố định. Khách hàng có thể thực hiện các lệnh chuyển tiền, thanh
toán hoá đơn dịch vụ, tìm hiểu các thông tin về tỷ giá hối đoái, giá vàng, giá
chứng khoán, các giao dịch gần nhất và số dư tài khoản hiện tại của mình mọi
lúc mọi nơi kể cả ngoài giờ hành chính.
(iii) Mobile Banking: Để thích ứng với
sự phát triển của mạng thông tin di động, các ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng
đưa ra thị trường sản phẩm Mobile Banking – sản phẩm cung cấp thông tin ngân
hàng qua điện thoại di dộng. Không chỉ thực hiện chức năng truy cập thông tin
hay thực hiện các giao dịch thông thường, khách hàng còn
có thể thực hiện chức năng thanh toán khi vào các siêu thị,
cửa hàng hay khi đi du lịch trong nước. Hơn thế nữa, với quy trình Mobile
Banking, khách hàng còn có thể nhận được thông tin từ ngân hàng bằng cách gửi
tin nhắn yêu cầu đến số điện thoại quy ước của ngân hàng để nhận lại tin nhắn
trả lời. Mỗi khi có giao dịch thực hiện trên tài khoản của mình, tổng đài của
ngân hàng sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại di động của khách
hàng.
(iv)
Internet Banking: cung cấp tự động
các thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet. Để tham gia,
khách hàng đăng ký với ngân hàng sử dụng dịch vụ này để được cấp mật khẩu và
tên truy cập. Với máy tính kết nối Internet, ở bất cứ đâu hay vào bất cứ thời
điểm nào, khách hàng cũng có thể truy cập vào website của ngân hàng để được
cung cấp thông tin, thực hiện các giao dịch tài chính. Khách hàng cũng có thể
truy cập vào các website khác để mua hàng và thực hiện thanh toán thông qua
ngân hàng. Tuy nhiên, khác với các dịch vụ ngân hàng điện tử khác, Internet
banking đòi hỏi ngân hàng phải có một hệ thống bảo mật đủ mạnh để đối phó với
các rủi ro an ninh trên phạm vi toàn cầu. Điều này là tương đối khó khăn đối với
các ngân hàng Việt Nam vì xây dựng một hệ thống bảo mật như vậy là rất tốn kém.
Đây cũng là lý do vì sao dịch vụ này ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc
phát triển các dịch vụ ngân hàng
2.1. Về thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam
Việc không sử dụng tiền mặt trong lưu
thông là một trong những thước đo quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông
tin trong các dịch vụ ngân hàng thương mại, bởi vì để thực hiện các giao dịch
điện tử đều phải thông qua hệ thống ngân hàng.
(Nguồn: chinhphu.vn)
Như đã thấy trên biểu đồ, tỷ lệ tiền
mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam giảm
mạnh từ mức 23,7% năm 2001 xuống 14,6%
năm 2008 ( tức là đã giảm gần 50% ) và
năm 2009, 2010 vẫn duy trì được xu hướng tích cực này. Tuy tỷ trọng tiền mặt
hàng năm đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với thế giới, khi mà tỷ trọng
này ở các nước tiên tiến như Thụy Điển là 0,7%, Na Uy là 1%, còn Trung Quốc là
ở mức là 10%. Mặt khác, tốc độ giảm tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt
Nam
là chậm so với các nước khác, điển hình là Thụy Điển. Năm 1999, Thụy Điển vẫn
được coi là nền kinh tế tiền mặt khi tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh
toán vượt mức 17%. Đến năm 2000, sau khi cuộc cách mạng thanh toán không dùng
tiền mặt được thực thi, tỷ lệ này chỉ còn 0,7%, một con số rất đáng khâm phục.
2.2. Tình
trạng sử dụng thẻ thanh toán và tín dụng
Tính đến cuối năm 2010 cả thị trường Việt Nam có hơn 24 triệu thẻ tăng 12 lần
(từ 2 triệu thẻ năm 2005); số lượng máy
ATM tăng hơn 8 lần (từ 1.200 máy vào năm 2005 lên trên 11.137 máy); số thiết bị chấp
nhận thẻ POS tăng 3,7 lần (từ 10.000 POS năm 2005 lên 37.000 POS). Cũng trong năm 2010, Việt Nam đã có tới 825,5 triệu lượt giao
dịch bằng thẻ, (năm 2005 chỉ là 20,2 triệu lượt và 609 triệu lượt năm 2009). Tuy nhiên nếu so sánh với
nhiều nước phát triển trong và ngoài khu vực, con số này vẫn còn khá khiêm tốn
(Bảng 1).
Nguồn: BIS
Nêu như mức độ truy cập tài chính được đo bằng số lượng các chi
nhánh ngân hàng và các máy rút tiền tự động (ATM) trên 100.000 người thì ở Việt Nam, tính đến 2010, hệ thống các TCTD bao gồm 5 ngân hàng thương mại nhà nước với 1.405 chi nhánh cấp 1, 37 ngân hàng thương mại cổ phần với 1.830 sở giao dịch,
chi nhánh và văn phòng giao dịch. Như vậy tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch trên
100.000 người dân trung bình vào khoảng 3,72. Con số này mặc dù khá tương đồng
với Philippine (khoảng xấp xỉ 4) nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan và Indonexia, và
so với các nước phát triển OECD là một khoảng cách khá xa (xấp xỉ 27). Mặt
khác, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch ở nước ta lại không đồng
đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ
Chí Minh, gây ra mức độ khó khăn khi truy cập thị trường tài chính ngân hàng
cho các tổ chức, cá nhân ở những vùng kinh tế mới nổi hoặc vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, Việt Nam vẫn là nước có
tỷ lệ người sử dụng thẻ thấp trong khu vực, hay nói cách khác, dân chúng Việt
Nam vẫn rất chuộng tiền mặt. Tốc độ tăng trưởng phát hành thẻ từ 2006 - 2010
đạt từ 150% - 200%, nhưng tỷ lệ thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng thẻ ngân hàng
chỉ đạt chưa đến 5%. Số lượng giao dịch
rút tiền mặt bằng thẻ qua hệ thống ATM chiếm đến 70 - 80% số lượng giao dịch
thẻ thực hiện. Đa số công nhân viên chức chủ yếu sử dụng thẻ để đến tháng rút
tiền lương và ít có giao dịch khác. Những người thỉnh thoảng mới giao dịch là
công nhân và sinh viên, là đối tượng mà nhiều ngân hàng đã ồ ạt mời chào mở thẻ
miễn phí.
2.3. Các
dịch vụ ngân hàng trực tuyến
Một cuộc khảo sát do ComScore tiến hành trong năm 2010
ở 6 quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hong Kong và
Singapore cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng hàng năm cao
nhất về số khách truy cập các trang web ngân hàng, chỉ đứng sau Indonesia với
mức tăng cao nhất 72%. Kết quả này có được trong bối cảnh các ngân hàng ngày
càng đầu tư mạnh vào website và khách hàng đang làm quen với hoạt động thanh
toán hóa đơn qua mạng. Số người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến như Home
Banking, Phone Banking, Mobile banking và Internet Banking… tại Việt Nam đã
tăng 35% từ 710.000 lên 949.000 người trong năm qua. Trong khi đó, con số này ở
Indonesia là 72% (tăng từ
435.000 lên 749.000) và ở Philippines
tăng 39% từ 377.000 lên 525.000.
Mặc dù đạt được những tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nói
trên, nhưng đây chỉ là những con số mang tính tương đối. Thực tế là cả ba thị
trường này đều kém phát triển hơn các thị trường còn lại nên chỉ một sự tăng
nhẹ về mức tuyệt đối là đã đẩy tỷ lệ tăng tính theo phần trăm tương đối tăng
lên một mức rất cao. Xét về số tuyệt đối thì Malaysia là nước có số lượng khách
hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng lớn nhất với 2,7 triệu người trong
tháng 1/2011, tăng 16% từ 2,4 triệu người sử dụng vào tháng 1/2010. Hồng Kông
đứng ở vị trí thứ hai với số người dùng tăng 18% từ 1,3 lên 1,5 triệu trong năm
qua. Tiếp theo là Singapore
với 889.000 khách truy cập trong tháng 1/2011 so với 779.000 khách của cùng kỳ
năm ngoái, tương đương mức tăng 14%.
Như vậy, nhìn chung việc đáp ứng dịch vụ ngân hàng đối với nền kinh
tế ở Việt Nam vẫn còn hạn chế bởi các sản
phẩm, dịch vụ của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn đơn điệu (Thu nhập phi
lãi/Tổng thu nhập chỉ chiếm khoảng hơn 5%). Trong chiến lược phát triển sản
phẩm, các ngân hàng trong nước vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tín
dụng. Các dịch vụ khác, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở dịch vụ thẻ rút tiền, các
hoạt động thanh toán qua tài khoản (ATM, POS), dịch vụ quản lý tài sản cho cá
nhân thu nhập cao, quản lý két sắt, quản lý thấu chi... vốn đã phổ biến trên
thế giới lại chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
3. Nguyên nhân công nghệ
thông tin chưa hỗ trợ đáng kể vào việc phát triển các dịch vụ ngân hàng thương
mại
Thứ nhất là yếu tố hạ tầng kỹ
thuật. Ở Việt Nam hiện nay mạng lưới ATM và sự
kết nối thanh toán thẻ qua POS của hệ thống ngân hàng chưa hoàn chỉnh và thống
nhất. Hiện mới chỉ có 8 ngân hàng thương mại tham gia kết nối hệ thống các điểm
chấp nhận thẻ trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nếu khách
hàng sử dụng thẻ của 8 ngân hàng này thì thẻ đó mới được chấp nhận thông qua
các máy quẹt thẻ lẫn nhau, còn thẻ của các ngân hàng khác thì chỉ được sử dụng
thông qua POS của ngân hàng đó (ngoại trừ thẻ tín dụng quốc tế). Vì vậy, giả sử
trong ví của khách hàng có thẻ và trong thẻ có tiền cũng khó tìm được điểm quẹt
thẻ phù hợp. Điều bất cập này gây rất nhiều phiền phức cho chủ thẻ, là nguyên
nhân chính khiến người dân vẫn ưu tiên sử dụng tiền mặt.
Một yếu tố khác nữa là vấn đề an toàn kỹ thuật. Có thể
thấy hiện nay những thông tin về máy ATM bị rò điện xuất hiện với tần suất khá
cao trên báo chí đã gây ra bức xúc và hoang mang trong dân cư. Vì vậy, chỉ khi
nào thực sự cần thiết, như đến kỳ lĩnh lương phải ra ATM rút tiền mặt thì mọi
người mới buộc phải giao dịch qua ATM, còn lại hạn chế tối đa việc tiếp xúc với
những máy này.
Thứ hai, các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh cho khách hàng
chưa mặn mà với việc chấp nhận thanh toán qua thẻ. Các siêu thị, cửa hàng,
trung tâm mua sắm, khách sạn, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, xe... đều không ưa
chuộng POS cho dù các ngân hàng lắp đặt miễn phí thiết bị này. Điểm mấu chốt ở
đây là vấn đề không muốn công khai doanh thu để giảm bớt thuế thu nhập và không
muốn mất phí cho ngân hàng. Mặc dù theo thông lệ quốc tế, phí suất mà các đơn
vị này phải trả cho NH là 3% doanh số tiền quẹt thẻ, nhưng ít đơn vị kinh doanh
nào ở Việt Nam chấp nhận trả tỷ lệ này, họ muốn miễn phí hoặc cùng lắm là trả
từ 1% - 1,5% tổng doanh số. Hiện tại chỉ có những đơn vị có giao dịch thanh
toán cho người nước ngoài (khách sạn, cửa khẩu...) là sẵn sàng chấp nhận sử
dụng POS vì người nước ngoài có thói quen dùng thẻ.
Thứ ba,
thói quen dùng tiền mặt của người dân. Tâm lý ngại trải nghiệm những công nghệ
mới cùng với sự mù mờ về thông tin đã khiến đa số người dân vẫn ưa chuộng tiền
mặt. Bản thân các chủ thẻ cũng ngại quẹt thẻ vì phải nhớ password, có khi phải
quẹt đi quẹt lại và quan trọng hơn là phải bỏ thời gian tìm hiểu và học cách sử
dụng thẻ. Thêm nữa, không thể phủ nhận một điều là khi thực hiện mua sắm qua thẻ,
người tiêu dùng rất khó ước đoán lượng tiền chính xác mình đã chi ra nên thường
phóng tay mua sắm. Chỉ đến khi kiểm tra số dư trên thẻ, thấy lượng tiền hao hụt
đáng kể họ mới giật mình điều chỉnh. Ở đây có một khái niệm mới, đó là “cảm
giác tiêu tiền”, tức là cái mà chỉ khi chi tiêu bằng tiền mặt người ta mới ý
thức được rõ rệt lượng tiền đang “biến mất” khỏi ví như thế nào, cái mà thẻ tín
dụng không thể hiện được. Vì vậy, một số đông người cho rằng sử dụng tiền mặt
sẽ có tác dụng làm họ “hãm bớt” việc chi tiêu mua sắm, và như vậy sẽ tiết kiệm
được nhiều tiền hơn. Một lý do nữa xuất phát từ vấn đề phí. Mặc dù phí thanh
toán đánh vào các đơn vị kinh doanh thẻ, nhưng các đơn vị này lại “chia sẻ” một
phần phí đáng kể cho khách hàng, vì thế không khuyến khích người dân thanh toán
bằng thẻ.
Thứ tư,
cách thức sử dụng phức tạp và sự thiếu đồng nhất trong dịch vụ. Nghiên cứu về
người tiêu dùng Việt Nam do Nielsen công bố vào tháng 8/2010 cho thấy, trong số
600 người được khảo sát, chỉ có 1% sử dụng internet banking. Các dịch vụ Internet
Banking, Mobile Banking có phương thức thực hiện giao dịch quá phức tạp, điều
này đã làm cho các doanh nghiệp và cá nhân không mặn mà lắm với những dịch vụ
tiên tiến này. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, đa dạng hóa các kênh cung
cấp dịch vụ mới như ATM, SMS, Call Center, Mobile Banking, Internet Banking…,
các ngân hàng Việt Nam đã tiến hành riêng rẽ, thiếu kết nối. Ví dụ như 2 kênh
giao dịch điện tử của ngân hàng là Mobile Banking và Internet Banking hiện nay
vẫn chưa nhất quán về dữ liệu nên vẫn được tính như 2 mảng dịch vụ riêng. Điều
này đưa đến cho người sử dụng những trải nghiệm khác nhau khi họ sử dụng cùng
một loại giao dịch từ các kênh khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân
mang tính chất định tính khiến khách hàng không cảm thấy thoải mái khi sử dụng
các dịch vụ này.
Thứ năm, nguồn lực hạn chế. Mặc dù rất muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin vào các dịch vụ của mình, nhưng thực tế là, vốn điều lệ của các ngân hàng
Việt Nam còn hạn hẹp đã hạn chế khả năng trang bị và ứng dụng các công nghệ
hiện đại. Nhìn chung, chỉ những ngân hàng lớn mới đủ quyết tâm và tiềm lực để
thực hiện việc này. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các
ngân hàng còn khá cao dẫn đến việc các ngân hàng khó kết nối, phối hợp với nhau
trong việc cung cấp các sản phẩm nhất quán, gây khó khăn trong tương tác khách
hàng.
Thứ sáu, công tác bảo mật. Công nghệ càng hiện đại bao nhiêu thì vấn đề bảo mật
càng trở nên cấp thiết bấy nhiêu. Cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử đồng
nghĩa với việc quản trị rủi ro trở thành một thách thức với các ngân hàng. Một
khi chưa đảm bảo đủ các biện pháp phòng chống gian lận và vấn đề bảo mật thông
tin, các ngân hàng sẽ vẫn dè dặt khi tung ra các gói dịch vụ mới tiên tiến hay
thậm chí là giới hạn các dịch vụ này để đảm bảo các giao dịch trong tầm kiểm
soát. Về phía khách hàng, do niềm tin vào sự an toàn của việc sử dụng các dịch
vụ điện tử chưa cao, nên những giao dịch có giá trị lớn vẫn thường được thực
hiện qua các kênh dịch vụ truyền thống.
4. Một vài giải pháp
Việc ứng dụng
CNTT ở các ngân hàng thương mại phải được thực hiện trên nền tảng công nghệ
chuẩn, thường xuyên nâng cấp, cập nhật nhằm tăng cường tính an toàn, bảo mật của hệ thống song song
với việc thiết lập một cơ chế dự phòng linh hoạt. Cụ thể:
- Tập trung xây dựng hệ
thống cơ sở dữ liệu thống nhất (với các phần mềm hỗ trợ hoạt động kinh doanh,
quản lý), đảm bảo quy trình hoạt động xuyên suốt trong toàn hệ thống. Nâng cao
chất lượng quản trị doanh nghiệp, giảm thiểu được các nguy cơ về rủi ro trong
hoạt động kinh doanh và hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác;
- Triển khai và áp dụng
hệ thống Core Banking nhằm phát triển, mở rộng các sản phẩm dịch vụ, kiểm soát
an toàn hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh;
- Tiếp tục đầu tư, hoàn
thiện hệ thống CNTT phục vụ phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại
(nghiệp vụ thanh toán trong nước và quốc tế…);
- Hoàn thiện hệ thống các
phần mềm quản trị chuyên ngành khác (phần mềm Quản trị quan hệ khách hàng CRM,
phần mềm Quản trị rủi ro Risk Management…;
- Xây dựng hệ thống CNTT
hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tạo thế mạnh cạnh tranh riêng thông
qua việc cạnh tranh bằng công nghệ - Trong đó tập trung triển khai các hệ thống
tiện ích phục vụ khách hàng như: Xây dựng trung tâm chăm sóc khách hàng Contact
Center; Cổng thông tin điện tử tích hợp các dịch vụ điện tử trên mạng Internet
(qua Website của từng đơn vị)…;
- Nâng cao năng lực xử lý
của hệ thống mạng LAN, WAN, thiết bị chuyển
mạch…; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao…;
- Xây dựng, bồi dưỡng đội
ngũ cán bộ IT chuyên nghiệp, có trình độ nghiệp vụ cao, đáp ứng nhu cầu quản
trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Trong đó tập trung đào
tạo nâng cao trình độ, khảo sát công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế, thực
hiện các chế độ đãi ngộ…
Ngoài ra, mỗi ngân hàng
cần tập trung nguồn vốn – nhân lực – kỹ thuật nghiên cứu hoặc thuê tư vấn quốc
tế để xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
công nghệ mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ của chính ngân hàng mình. Chẳng
hạn ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV, đã xác định muc tiêu trong 10
năm tới là phát triện hệ thống ngân hàng điện tử làm nòng cốt trong phát triển
hoạt động ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm vượt trội, tiết kiệm thời gian, chi
phí, nguồn lực và khoảng cách về địa lý. Theo đó BIDV cũng sẽ từng bước thành
lập, liên kết bộ phận nghiên cứu với các ngân hàng tiên tiến tại các quốc gia
phát triển tập trung nghiên cứu phát triển, nâng cấp sản phẩm dịch vụ tạo vị
thế định hướng trên thị trường nội địa, tiến tới phát triển sang các thị trường
quốc tế có hiện diện thương mại của BIDV. Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - SCB cũng
quyết tâm đưa CNTT trở thành công cụ đắc lực trong công tác quản trị điều hành
ngân hàng thông qua qua việc xây dựng một hệ thống CNTT hiện đại, từ đó góp
phần phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. SCB sẽ
từng bước nâng cấp hệt hống phần cứng cũng như đường truyền với cấp độ cao và
ổn đinh. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng sẽ áp dụng nhiều hơn việc sử dụng các
phần mềm có thể phát hiện và ngăn chặn sự tấn công từ bên ngoài (như
anti-virus, anti-spyware, Web filtering, deep inspection, vpn...) đảm bảo tính
năng bảo mật cao cho các sản phẩm dịch vụ công nghệ ngân hàng.
Rõ ràng, công nghệ chính
là một nhân tố tạo dựng một nền móng vững chắc giúp các ngân hàng Việt Nam trụ
vững trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt thông qua việc cải thiện năng
lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tới khách hàng
từ đó tăng khả năng chiếm thị phần của các ngân hàng. Trong bối cảnh hội nhập
kinh tế thế giới, một hành trang công nghệ tiến tiến sẽ tạo điều kiện cho các
ngân hàng phát triển bền vững hơn nhờ việc đa dạng hóa các dịch vụ, tối đa hóa
lợi ích, xây dựng lợi thế cạnh tranh riêng biệt, tiếp tục đi lên cùng các nước
bạn trong khu vực.
(11/10/2011)
Đỗ Thị Bích Hồng
Chuyên viên-Viện Chiến lược
ngân hàng
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012
Công nghệ thông tin trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét