Những nghi thức khi rước dâu
Thắp hương giường thờ: Họ nhà gái mời nhà trai vào nhà. Nhà trai cho đặt đồ lễ lên giường thờ (ngày xưa người ta thờ trên giường chớ không phải trên bàn hay trên tủ như bây giờ). Và ngày nay khi đàng trai được mời vào nhà, các chú rể phụ hay những người bưng phụ đồ lễ vật đứng dàn hàng ngang trước mặt các cô dâu phụ hay các thiếu nữ bên nhà gái, cũng đứng hàng ngang đối diện để trao những mâm hay quả tráp lễ vật.
Các cô này đem lễ vật vào đặt trên bàn có thứ tự trước bàn thờ gia tiên. Lúc này nhà gái kiểm điểm lại đồ thách cưới, tuy một phần đã được nhà trai đưa qua từ những hôm trước để tiện nhà gái làm cỗ đãi cho họ hàng (ngày nay lễ vật không đưa sang nhà gái trước nhưng nhà trai khi trình lễ vật, phải nói mấy lời cùng nhà gái lễ vật gồm những thứ gì).
Chính người chủ hôn nhà trai giở nắp quả tráp hay khăn đỏ phủ lễ vật ngay sau lời mở đầu buổi lễ xin phép, nhà gái cho thắp hương để chú rể và cô dâu cùng lễ gia tiên.
Không phải ai cũng có thể thắp nén hương trong trong ngày lễ cưới được. Hương phải do bố, anh trai hoặc em trai cô dâu thắp. Nếu là anh trai hoặc em trai cô dâu thắp hương, nhà trai lại phải tặng một món tiền gọi là tiền thắp hương.
Tất cả nhưng sự khó khăn nhà trai phải vượt qua từ lúc chăng dây cho đến khi hương được thắp trên giường thờ, tục lệ đặt ra để chứng tỏ nhà trai không nề hà trong sự khó khăn để đón dâu, và cũng chứng tỏ sự thiết tha yêu thương vợ của chú rể.
Lễ gia tiên và lễ mừng: Chú rể vào lễ bàn thờ gia tiên nhà vợ bốn lễ rưỡi, sau đó cô dâu cũng lễ theo. Ngày nay, cô dâu và chú rể cùng làm lễ một lược, theo thể thức chú rể “bái gối” và cô dâu ngồi vẹt, tuy vậy mỗi lần chú rể bái, cô dâu chờ động tác cho nhịp nhàng. Lễ gia tiên xong, cô dâu và chú rể phải ra lễ mừng bố mẹ vợ. Ngày nay cô dâu và chú rể lạy bố mẹ ngay liền trước bàn thờ gia tiên, thường được cha mẹ cho hỉ xả, nghĩa là cho miễn thủ tục này để tỏ lòng yêu thương, rộng lượng. Chàng rể lễ mừng bố mẹ vợ để tạ công ơn nuôi dưỡng vợ mình, còn cô dâu lễ mừng cũng có ý nghĩa tạ ơn cha mẹ tác thành lương duyên giai ngẫu cho mình. Khi chàng rể mừng lễ, bố mẹ vợ thường cho tiền hay vàng bạc. Các người phù rể sẽ nhận hộ chú rể. Có nhiều người có tính khoe khoang thường nhân dịp này cho chú rể nhà cửa, ruộng nương bằng cách trao cho văn tự hay địa đồ.
Lễ mừng cha mẹ xong, chàng rể được người trong họ nhà vợ dẫn đi lễ mấy nhà thờ chính của họ nhà vợ, có mấy chàng phù rể đi theo. Cũng có nơi, chàng rể phải đi lễ nhà thờ trước rồi lúc trở về mới làm lễ mừng bố mẹ vợ. Sau khi chàng rể làm lễ đủ mọi nghi thức xong rồi, nhà gái mới mời nhà trai uống nước ăn trầu và hai họ chúc tụng cô dâu chú rể. Thường nhà gái làm cỗ mời nhà trai. Trong bữa cỗ này, chú rể vì giữ lễ hoặc vì sung sướng quá nên ăn uống rất e dè từ tốn, có khi không dám ăn vì sợ họ nhà vợ chê cười. Ngày nay, ở miền Nam, theo khuôn phép gia đình nề nếp, chú rể và cô dâu không ngồi vào bàn trong các tiệc đãi mà phải đưa nhau đi từng bàn mời khách đôi bên mà cũng là dịp để nhận biết rõ những người thân thuộc. Họ nhà trai ngồi lại họ nhà gái cho đến lúc được giờ tốt, giờ hoàng đạo, cụ già chủ hôn xin với nhà gái cho rước dâu. Cô dâu lúc này đã y phục chỉnh tề, trang điểm với mọi nữ trang của mình cùng với những đồ dẫn cưới trước, đựng trong chiếc rương phủ nhiễu điều.
Họ nhà gái có một số người đi theo cô dâu, trong đó có các cô phú dâu. Các cô phù dâu đã được tuyển lựa trong số các thiếu nữ chưa lập gia đình cũng như các phù rể đều là các chàng trai chưa vợ. Đây cũng có ý nghĩa là dịp người ta “giới thiệu” những trai gái có thể tiếp nối kết duyên, vì vậy cũng thường có các cuộc hôn phối tiếp sau đó của những trai gái này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét