Chứng đau ngực
Đau ngực là một cảm giác khó chịu ở vùng ngực xảy ra do các nguyên nhân tại thành ngực hay các phủ tạng bên trong nó gây ra. Chứng đau ngực thường gặp tại các phòng khám đa khoa và cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân phải tìm đến thầy thuốc do tính nguy hiểm của cơn đau ở khu vực này.
Dựa vào các tính chất và đặc điểm của đau ngực như vị trí, điều kiện xuất hiện, cường độ, thời gian, hướng lan mà chúng ta có thể dự đoán được tương đối chính xác về nguyên nhân gây ra đau ngực.
Về cấu tạo giải phẫu của ngực bao gồm lồng ngực (có da, cơ, xương và thần kinh) và các tạng trong nó (tim, phổi và các cuống mạch). Do vậy, đại đa số đau ngực đều có nguồn gốc từ những bộ phận này.
Các loại đau ngực có nguồn gốc từ thành ngực:
1. Từ các tổ chức phần mềm:
- Viêm da, cơ: ngoài các triệu chứng sưng đau tại chỗ, bệnh nhân còn có sốt cao, thể trạng nhiễm trùng nhiễm độc.
- Do chấn thương đụng dập cơ: có dấu hiệu tại chỗ chủ yếu như thâm tím hoặc sây sát.
- Zôna ngực: Da ngực vùng tổn thương nóng, đỏ, rát, trên bề mặt có nhiều mụn phỏng nước. Mụn Zôna thường bám dọc theo các xương sườn. Đau thường rất nhiều và tăng lên khi thở sâu hay đụng chạm vào vùng bệnh.
- Đau ngực trong viêm tuyến vú, tắc tuyến sữa ở những người đang cho con bú, ung thư tuyến vú. Do vậy, phụ nữ ở độ tuổi trên dưới 40 phải thường xuyên kiểm tra tuyến vú của mình, nếu có u cục phải lập tức đến bác sĩ để có chẩn đoán và xử trí kịp thời.
2. Từ các dây thần kinh liên sườn:
Viêm dây thần kinh liên sườn: đau vừa phải, đau tăng lên khi hít vào sâu, đặc biệt khi ấn dọc theo các kẽ liên sườn. Da tại vùng đau gần như không có biến đổi gì đặc biệt.
3. Từ xương ức, sườn, khớp sụn sườn, cột sống ngực:
- Các tổn thương do viêm hay thoái hóa: viêm khớp ức sườn, thoái hóa cột sống ngực, đặc biệt là lao cột sống, ung thư đốt sống. Trong trường hợp do lao cột sống, đau không nhiều nhưng dai dẳng, đau thành khoanh quanh lồng ngực vùng tổn thương. Lao cột sống có thể nguyên phát, nhưng cũng có thể hậu phát sau lao phổi, ngoài triệu chứng đau tại chỗ như đã nêu, bệnh nhân thường có sốt về chiều, kém ăn, người gầy sút, có thể ho ra máu.
- Do chấn thương: bệnh nhân có biểu hiện đau tại chỗ vết xây xát, thâm tím, đặc biệt khi nắn vào vùng đau sẽ có dấu hiệu điểm đau chói. Do vậy để tránh khỏi bỏ sót gãy xương kín đáo, người sau ngã hoặc chấn thương vùng ngực phải được chụp X- quang lồng ngực.
Các loại đau có nguồn gốc từ phổi:
1. Viêm màng phổi khô hoặc có tràn dịch màng phổi:
Biểu hiện ban đầu thường chỉ đau khu trú ở một vùng nhỏ của ngực, đau tăng lên khi hít vào. Khi xuất hiện tràn dịch màng phổi lượng dịch ít thường bệnh nhân đau khi nằm nghiêng về phía tràn dịch và nếu lượng dịch nhiều sẽ có biểu hiện ngược lại.
2. Ung thư màng phổi:
Cần phải chụp X- quang, chụp cắt lớp vi tính phổi.
3. Tràn khí màng phổi:
Đau ngực đột ngột, dữ dội như dao đâm, khó thở thường xảy ra đột ngột sau một gắng sức ở người trẻ tuổi không có tiền sử bệnh. Tuy nhiên hay gặp trên những người có tiền sử hen phế quản, giãn phế nang, đau ngực và khó thở có thể đến đột ngột hoặc từ từ. Tiên lượng thường xấu hơn.
4. Tràn máu màng phổi sau chấn thương.
5. Dày dính màng phổi.
Các nguyên nhân có nguồn gốc từ phổi:
- Viêm phổi: Bệnh nhân sốt cao, đau ngực bên tổn thương, khó thở, ho khạc đờm màu rỉ sắt. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng áp xe phổi.
- Viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính: Đau ngực ở đây thường do viêm nhiễm, đặc biệt hậu phát do tăng áp lực động mạch phổi.
- Ung thư phế quản: Bệnh hay xảy ra cho những người lớn tuổi có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào, đột nhiên thấy đau ngực kèm theo ho ra máu và người gầy sút, biếng ăn, mệt mỏi. Có trường hợp đau ngực lan lên vai, lên cánh tay, kèm theo móng tay khum như mặt kính đồng hồ hoặc có dạng như dùi trống.
Đau ngực có nguồn gốc từ các cuống mạch của trung thất:
- Bệnh tăng áp lực động mạch phổi.
- Bệnh phình tách động mạch chủ: Đau ngực dữ dội, đau trong sâu, đau sau lưng và rất dễ nhầm với nhồi máu cơ tim.
- Viêm hay u trung thất.
Đau ngực do nguyên nhân tim:
1. Viêm màng ngoài tim:
- Viêm màng ngoài tim khô: Đau ngực vùng trước tim và tăng lên khi thở sâu, đặc biệt khi cúi người về phía trước.
- Tràn dịch màng ngoài tim, ung thư màng tim.
2. Đau thắt ngực trong suy mạch vành mạn hoặc cấp:
Tùy từng loại mà cơn đau ngực ở đây có những nét đặc trưng khác nhau tuy rằng chúng có một đặc điểm chung là đau ở vùng trước tim, đau sau xương ức. Nhưng mức độ đau có thể không giống nhau, từ mức chỉ có cảm giác nặng ngực, đến nghẹt thở, vã mồ hôi kèm theo hốt hoảng, sợ hãi. Sự khác nhau quan trọng giữa các cơn thắt ngực là hoàn cảnh xuất hiện cơn đau, ví dụ:
Trong cơn đau thắt ngực gắng sức (hay còn gọi là cơn đau thắt ngực ổn định): đau thường xuất hiện sau các gắng về thể lực (như đi bộ nhanh, chạy lên cầu thang…) hoặc tâm lý (quá buồn, vui hay lo lắng…).
Trong cơn đau thắt ngực tự phát (Cơn Prinzmetal): đau xảy ra thường vào ban đêm hoặc vào các giờ gần sáng và không liên quan gì đến gắng sức. Để chẩn đoán được cơn này phải thực hiện ở cơ sở chuyên khoa.
Trong cơn đau thắt ngực không ổn định: đau thường xuất hiện ngay chỉ với gắng sức rất nhẹ, cơn hay xảy ra vào ban đêm, thời gian cơn thường kéo dài > 30 phút, do tổn thương mạch vành trong trường hợp này nặng hơn trong cơn đau thắt ngực gắng sức.
Trong nhồi máu cơ tim cấp: đau ngực dữ dội, đau như dao đâm hay đau như quả tim bị kẹp, bị bóp,… đau vùng trước tim lan lên cằm, hàm dưới, lan lên vai trái, lan dọc theo cánh tay đến tận các ngón tay. Khác với các cơn đau trong đau thắt ngực thời gian đau chỉ vài phút (từ 2 – 3 phút), trong nhồi máu cơ tim thời gian đau thường kéo dài hàng giờ có khi hàng ngày hoặc hơn. Kèm theo đau bệnh nhân có cảm giác hốt hoảng, sợ chết.
Các nguyên nhân gây đau ngực có nguồn gốc ngoài lồng ngực:
- Đau ngực do viêm loét thực quản: Đau sau xương ức, có cảm giác nóng rát như xát chanh. Bệnh nhân có thể có kèm theo hay ợ hơi, ợ chua.
- Đau ngực do viêm loét dạ dày hành tá tràng: Đau lan từ vùng thượng vị, lên ngực. Khi kiểm tra kỹ sẽ thấy vùng thượng vị là vùng đau trội hơn cả. Ở những bệnh nhân này thường có tiền sử đau nhiều lần, thời gian đau hàng giờ, có liên quan chặt chẽ với bữa ăn và thời tiết (mùa đông).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét