11:6', 27/1/ 2005 (GMT+7) |
Lần đầu tiên Ngày Doanh nhân Việt Nam chính thức được thành lập (13-10-2004). Sự kiện ấy là tín hiệu tốt, cho thấy xã hội đã nhận thức rõ về vai trò tích cực của doanh nhân, đúng hơn là entrepreneur.
Entrepreneur (tiếng Anh, gốc tiếng Pháp) thường được dịch là nhà doanh nghiệp hay doanh nhân. Cách dịch này không lột tả được nội hàm của thuật ngữ, vì thế sau đây người viết vẫn dùng từ entrepreneur thay vì doanh nhân. Entrepreneur là người, do động cơ lợi nhuận, đứng ra sáng lập một doanh nghiệp mới để cung ứng một sản phẩm hay dịch vụ cho một thị trường; sản phẩm hay dịch vụ và thị trường ấy hoàn toàn mới hoặc đang sẵn có. Theo ý nghĩa này, entrepreneur là “thái tổ” của doanh nghiệp (business innovator). Vì vậy thuộc tính thứ nhất của entrepreneur là khai sáng, khởi phát cái gì mới mẻ.
Entrepreneur thường tin tưởng mãnh liệt vào một cơ hội trên thị trường và để đeo đuổi cơ hội ấy, họ sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro lớn nhất xảy ra cho bản thân, nghề nghiệp và tiền bạc của họ. Bởi thế, thuộc tính thứ hai của entrepreneur là mạo hiểm.
Entrepreneur cần có nhiều kỹ năng khéo léo khác nhau để, nếu không quán xuyến được tất cả, cũng đủ sức đảm đương hầu hết các chức năng, nhiệm vụ trên thương trường vì khi khởi nghiệp họ thường chỉ có chút vốn liếng hạn chế. Cho nên, thuộc tính thứ ba của entrepreneur là tháo vát.
Máu cạnh tranh, lòng tự tin, ý chí quyết đoán và khả năng lãnh đạo cũng là những thuộc tính khác của entrepreneur.
Trong văn hóa Mỹ, entrepreneur thường được xem là một thành tố cốt lõi (a critical component) của xã hội tư bản. Theo Wikipedia, các entrepreneur danh tiếng và tiêu biểu của Mỹ xưa nay gồm bốn gương mặt sau đây:
1. Henry Ford (l863 - 1947) là con một nhà nông, có công phát triển xe hơi chạy xăng (l893), sáng lập Hãng xe Ford (1903), tìm ra phương pháp sản xuất hàng loạt (mass production) và kiện toàn dây chuyền lắp ráp (assembly line, 1908 - 1927). Lúc đầu, phương pháp này chỉ áp dụng trong Hãng Ford nhưng về sau áp dụng được cho rất nhiều ngành nghề và nhà máy khác nhau trên toàn thế giới. Ford không chỉ cách mạng công nghệ sản xuất mà còn tác động lớn đến nếp sống văn hóa thời đại, khiến cho nhiều nhà lý thuyết xã hội đã tạo ra từ “Fordism” để gọi tên phương pháp sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao độ của Ford.
2. John Pierpont Morgan (l837 - 1913) là một trong những nhà tài chánh và ngân hàng thế lực nhất trên thế giới. Ngoài việc tài trợ để thành lập Công ty Thép Hoa Kỳ (the United States Steel Corporation), ông còn cung cấp cho Chính phủ Mỹ số vàng trị giá 62 triệu Mỹ kim để trợ giúp Nhà nước phát hành công trái phiếu (1895) và nhờ thế phục hồi cho quốc khố số dư 100 triệu Mỹ kim. Đây chỉ là hai trong rất nhiều thành tích lẫy lừng của ông.
3. Thomas Alva Edison (l847 - 1931) là nhà phát minh kiêm entrepreneur, làm chủ 1.093 bằng sáng chế mang tên ông. Hầu hết các phát minh của ông chính là kết quả hoàn thiện lại phát minh của những người đi trước. Ông là một trong những nhà phát minh đầu tiên áp dụng nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào việc thương mại hóa các phát minh của mình. Tạp chí Life xếp ông đứng đầu danh sách 100 người quan trọng nhất của thiên niên kỷ qua và nói rằng cái bóng đèn điện do ông phát minh đã có công “thắp sáng cả thế giới”.
4. Bill Gates (sinh ngày 28-10-1955) là Chủ tịch và Trưởng thiết kế phần mềm (Chief Software Architect) của Công ty Microsoft do ông và Paul Allen đồng sáng lập khi ông đang là sinh viên tại Viện Đại học Harvard. Theo Tạp chí Forbes, liên tiếp nhiều năm từ 1996 trở đi ông là người giàu số một thế giới, tài sản có lúc lên tới 90 tỷ Mỹ kim (1999).
Không phải vô lý mà Wikipedia nêu lên bốn tên tuổi ấy. Hãy bỏ qua vấn đề quốc tịch của họ, nhìn họ ở góc độ là các entrepreneur đích thực để rút ra một suy gẫm về vai trò thiết yếu của entrepreneur đối với dân tộc và nhân loại.
Mấy dòng tóm tắt sự nghiệp của bốn nhân vật trên đây tuy sơ sài vẫn có thể hé cho thấy rằng họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà thực sự còn làm giàu rất nhiều cho dân tộc họ và cả nhân loại. Bởi lẽ họ đã: sáng tạo một phương pháp sản xuất mang tính cách mạng sâu rộng toàn cầu (Ford); góp phần ý nghĩa to tát vào nền tài chánh vững mạnh của đất nước (Morgan); tác động rất mạnh vào tiến trình văn minh, tiến bộ của nhân loại (Edison); làm một tác nhân quan trọng của sự bùng nổ thông tin toàn cầu do sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ máy tính (Gates).
Nếu chấp nhận suy nghĩ trên, phải chăng lại có thể nhận thức thêm rằng chính những gì entrepreneur đóng góp cho văn hóa, văn minh nhân loại mới thực sự quan trọng hơn số gia sản kếch sù do họ tạo ra? Nếu là thế, một dân tộc muốn vượt trội lên vị trí phú cường, thịnh vượng, văn minh, tiên tiến có lẽ cũng cần trông cậy những entrepreneur chân chính và đích thực.
Một con người bẩm sinh có sẵn tố chất của entrepreneur cũng chưa đủ để thành công, mà còn phải có một chính sách kinh tế phù hợp và thuận lợi, một chiến lược ổn định và sáng suốt về quốc kế dân sinh của các nhà lãnh đạo đất nước. Ngoài entrepreneur bẩm sinh chắc chắn vẫn có thể đào tạo nên entrepreneur tài năng và chân chính. Điều này lệ thuộc vào một chiến lược giáo dục sáng suốt và khôn ngoan. Nếu mục tiêu cấp bách của quốc sách giáo dục là tạo ra đội ngũ hiền tài cho đất nước thì đừng hiểu hiền tài chỉ là những công chức phục vụ cỗ máy hành chính. Có lẽ cần đưa thêm yếu tố entrepreneur vào ý nghĩa hiền tài khi mà dân tộc cần mau chóng thoát ra cái nhục của một nước nghèo.
LÊ ANH DŨNG
|
Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012
Việt Nam cần những entrepreneur
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét