Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Milton Friedman


Hôm nay học macroeconomic, mới biết được ông Friedman, người mệnh danh là cha đẻ của thị trường tự do


"Để tưởng nhớ Milton Friedman"

Khi Milton Friedman tạ thế tại nhà riêng ở San Francisco vào ngày 16/11/2006, khoa học kinh tế đã mất một người thầy lớn, nhân loại mất một nhà tư tưởng lỗi lạc.
Cùng với những nhà kinh tế vĩ đại nhất của thế kỷ XX, như John Maynard Keynes, Joseph Alois Schumpeter, hay Friedrich von Hayek, Milton Friedman đã để lại một di sản không gì thay thế được trong toà lâu đài nguy nga của kinh tế học hiện đại.
Những cống hiến của ông về lý thuyết, lịch sử và chính sách tiền tệ, về lý thuyết tiêu dùng, lạm phát và thất nghiệp, về triết lý tự do kinh tế, không chỉ có ảnh hưởng lâu dài trong giới hàn lâm, mà còn phủ bóng lên cuộc sống kinh tế hàng ngày của quảng đại quần chúng, và đặc biệt là vẫn đã và đang định hình nên tư tưởng của nhiều thế hệ trên khắp thế giới.
Friedman sinh năm 1912 tại Brooklyn, Hoa Kỳ, trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Đông Âu. Khi cậu bé Milton được hơn một tuổi, gia đình chuyển đến Rahway, một thị trấn nhỏ ở phía bắc bang New Jesey. Là con trai út và duy nhất trong bốn chị em, cậu lớn lên trong tuổi thơ nghèo khó. Cả nhà Milton sống dựa vào một cửa hàng tạp hoá nhỏ, trong hoàn cảnh chật vật bấp bênh, mà sau này ông từng hóm hỉnh ôn lại rằng “khủng hoảng tài chính thường xuyên diễn ra.”
Từ nhỏ, Milton đã say mê với những cuốn sách trong cái thư viện nhỏ bé của thị trấn Rahway và hầu như đã đọc hết sách ở đó. Cậu luôn là một học sinh xuất sắc trong lớp và qua năm lớp năm liền học nhảy cóc lên luôn lớp bảy. Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu nhận được học bổng miễn học phí để vào trường Đại học Rutgers không quá xa nhà. Tuổi sinh viên trôi qua với đủ thứ nghề để kiếm sống, như chạy bàn, gia sư, hay làm sổ sách kế toán cho một cửa hàng tạp hoá.
Chính trong thời kỳ đại học, cậu sinh viên đã được hai vị giáo sư kèm cặp, những người sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến tư tưởng của cậu trong tương lai. Người thứ nhất là Arthur Burns, sau này sẽ có lúc trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), người chắc hẳn đã làm Friedman quan tâm đến các vấn đề tiền tệ. Người thứ hai là Homer Jones, vị giáo sư trẻ luôn nhiệt thành truyền bá cho sinh viên những giá trị cao cả của tự do cá nhân.
Dù sao, khi sắp sửa tốt nghiệp, tìm đường cho cuộc mưu sinh là nhu cầu thiết yếu cho chàng trai nghèo. Chàng sinh viên Friedman đã nghĩ sẽ tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định, như làm chuyên viên bán bảo hiểm. Nhưng đó cũng là những năm định mệnh của thế kỷ XX, khi cuộc Đại khủng hoảng đang tàn phá dữ dội nền kinh tế Mỹ và lan ra như cơn lốc trong các nước công nghiệp phương Tây, cướp đi thành quả của nhiều năm phồn vinh trước đó.
Giống như nhiều nhà kinh tế vĩ đại của thế kỷ XX, thực tại nghiệt ngã đã khiến Friedman không thể không ý thức về các vấn đề kinh tế. Đó là năm 1932, năm quyết định số phận ông. Sau này ông lý giải: “Nếu anh là một sinh viên sắp ra trường ở tuổi 19, điều gì sẽ là quan trọng hơn đối với anh: tìm cách tính ra mức giá đúng cho các khoản bảo hiểm nhân thọ, hay là thử cố tìm hiểu xem điều gì đã khiến cho thế giới thành ra nông nỗi này?” 
Vậy là người thanh niên 20 tuổi đã từ bỏ con đường dẫn tới một chỗ làm ổn định, để đi theo tiếng gọi của niềm ham hiểu biết. Arthur Burns sẵn lòng viết thư giới thiệu để giúp  cậu học trò xuất sắc của mình được nhận vào chương trình sau đại học của khoa Kinh tế trường Đại học Chicago.
Đại học Chicago đã mở ra cho Friedman một thế giới huy hoàng của kinh tế học, nơi ông khám phá những chân trời mới và có cơ hội tham gia vào những dự án nghiên cứu nghiêm túc. Đây cũng là nơi ông quen biết và yêu Rose Director, một nghiên cứu sinh cùng khoa, người sẽ trở thành vợ ông sau đó. Ông vừa theo học ở Đại học Chicago và Đại học Columbia, đồng thời làm việc tích cực ở các trung tâm nghiên cứu, và cuối cùng chuyển tới làm việc với nhà kinh tế danh tiếng Simon Kuznets ở Ban Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) trong một dự án nghiên cứu về thu nhập của các ngành có chuyên môn cao.
Kết quả của dự án là một cuốn sách ông đứng tên tác giả cùng Kuznets. Cũng chính trên kết quả nghiên cứu này, Friedman đã phát triển luận văn tiến sỹ của mình. Trong luận văn ông vạch ra rằng vì các ngành có chuyên môn cao như luật sư, bác sỹ, cần phải có giấy chứng nhận của ngành, nên đã tạo ra một rào cản không cho mọi người tự do gia nhập ngành, dẫn đến hiện tượng độc quyền nhóm. Do đó, ông kết luận rằng những người làm trong các ngành này được hưởng một mức thu nhập cao hơn hẳn các ngành khác nhờ vị thế độc quyền của họ, dẫn đến hậu quả là người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn trong khi lượng dịch vụ cung ứng lại ít hơn mức mong đợi.
Vấn đề ông nêu lên quá nhạy cảm vào thời gian đó và đe doạ làm nổ ra những cuộc tranh cãi gây chia rẽ. Đại học Columbia đã đình luận văn của ông lại 5 năm liền không để ông tốt nghiệp, nghĩa là mãi đến 1946 ông mới nhận được bằng Tiến sỹ. Đây là một bài học quan trọng đầu đời cho nhà kinh tế trẻ, khiến ông thấm thía rằng những khám phá khoa học hàn lâm có thể gây phiền phức cho cá nhân người nghiên cứu như thế nào, nhưng đồng thời nó cũng có thể khuấy lên những cơn bão táp ra sao.
Sau khi nhận bằng Tiến sỹ, Friedman được bổ nhiệm giảng dạy kinh tế học ở Đại học Chicago. Từ đây sự nghiệp của ông bắt đầu phát triển rực rỡ với những đóng góp to lớn cho kinh tế học. Cùng với George J. Stigler (Giải Nobel 1982), ông góp phần phục hưng trường phái Chicago sau Thế chiến II, biến Khoa Kinh tế thành nơi tụ hợp và đào tạo nên những nhà kinh tế lỗi lạc như Theodore W. Schultz (Giải Nobel 1979), Ronald H. Coase (Giải Nobel 1991), Gary. S. Becker (Giải Nobel 1992), Merton H. Miller (Giải Nobel 1990), Robert W. Fogel (Giải Nobel 1993), Robert E.Lucas (Giải Nobel 1995), Hebert A. Simon (Giải Nobel 1978), James M. Buchanan (Giải Nobel 1986), Harry M. Markowitz (Giải Nobel 1990) và Myron S. Scholes (Giải Nobel 1997).
Sự phục hưng trường phái Chicago không chỉ là việc bành trướng ảnh hưởng của Khoa Kinh tế Chicago trong ngành kinh tế học nói riêng, mà còn là sự bành trướng chính môn kinh tế học thành một đế chế trong khoa học xã hội, với tham vọng giải thích sự vận động của lịch sử cũng như nhiều hành vi cá nhân và xã hội trên những nền tảng căn bản của kinh tế học.
Suốt trong ba thập kỷ ở Chicago, từ năm 1946 cho đến khi nghỉ hưu năm 1977, Friedman đã cống hiến không ngừng nghỉ cho kinh tế học, từ triết lý và phương pháp luận kinh tế, đến lý thuyết tiêu dùng, và quan trọng hơn cả là lý thuyết tiền tệ cùng những nguyên lý làm nền tảng cho chính sách tiền tệ và tài khoá. 
Ngay từ cuối những năm 1950, khi chủ nghĩa can thiệp của trường phái Keynes như ngọn triều cường đang lan tràn trên khắp thế giới tư bản chủ nghĩa, Friedman đã khẳng định mình như một tư tưởng gia kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa tự do kinh tế, truyền thống được gây dựng suốt từ trước thế kỷ XIX, nhưng đã bị cái bóng vĩ đại của Keynes che khuất từ sau cuộc Đại khủng hoảng.
Cùng với một số ít các nhà tư tưởng tự do kiên định lúc bấy giờ như Hayek, Friedman đã truyền bá không mệt mỏi đức tin vào thị trường tự do và sự hài hoà mà nó có thể mang lại cho nền kinh tế, đồng thời cương quyết chống lại chủ nghĩa can thiệp và bảo hộ của chính phủ. Chính trên truyền thống này, ông đã gây dựng nên hệ thống triết lý xã hội tự do có ảnh hưởng lâu dài và vươn ra rất xa ngoài giới hàn lâm.
Năm 1962, ông xuất bản tác phẩm “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” (Capitalism and Freedom) trong đó nêu rõ những gì chính phủ nên làm và không nên làm, nhằm kiến tạo một xã hội thịnh vượng mà vẫn bảo đảm được quyền tự do cho các công dân của mình. Quan điểm chủ đạo xuyên suốt tác phẩm này là chính phủ chỉ nên đóng vai trò tối thiểu, như làm người bảo đảm pháp luật và trật tự xã hội, phân định quyền sở hữu, duy trì và chỉnh sửa luật chơi cho các tác nhân kinh tế, bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, cung cấp một hệ thống tiền tệ thống nhất, khuyến khích cạnh tranh và chống độc quyền, cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và trẻ vị thành niên.
Cũng trong thời gian này, ông công bố lý thuyết về hàm tiêu dùng (1957), nội dung chủ yếu cho rằng tiêu dùng của cá nhân hoặc hộ gia đình phụ thuộc vào thu nhập dài hạn kỳ vọng chứ không phải thu nhập hiện thời như quan điểm của Keynes. Do đó, ông cho rằng tổng tiêu dùng của nền kinh tế ổn định hơn những người theo Keynes vẫn nghĩ. Lý luận này của Friedman được biết đến như là giả thuyết thu nhập lâu dài trong các lý thuyết chuẩn hiện nay về hàm tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, có lẽ Friedman vẫn được biết tới nhiều nhất như là nhà lãnh đạo của phái Trọng tiền (Monetarism) trong kinh tế học. Là người ngay từ đầu đã bảo vệ lý thuyết số lượng tiền tệ, Friedman chắc chắn là lý thuyết gia có công lớn nhất trong thế kỷ XX làm mới và truyền bá học thuyết này, đưa nó vào làm nền tảng lý luận cho những cuộc tranh luận không khoan nhượng của ông về chính sách tiền tệ.  Ông thống lĩnh những cuộc tấn công làm xói mòn bức trường thành tín điều do Keynes dựng nên cho rằng chính sách tiền tệ có thể đẩy lui được nạn thất nghiệp nhờ tạo ra lạm phát.
Gần như đồng thời, vào cuối những năm 1960, Friedman và Edmund Phelps, một nhà kinh tế ở Đại học Columbia (người mới được nhận giải Nobel Kinh tế năm nay), cùng đưa ra khái niệm “thất nghiệp tự nhiên,” là mức mà mọi tham vọng đẩy thất nghiệp xuống thấp hơn mức này bằng chính sách tiền tệ sớm muộn đều thất bại, và cái giá phải trả chỉ có thể là lạm phát triền miên và ngày càng tăng tốc.
Với khái niệm này, Friedman và Phelps đã chấm dứt giấc mộng của các nhà kinh tế trường phái Keynes muốn đưa nền kinh tế đến toàn dụng nhân công thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ.
Để có bằng chứng củng cố cho lý thuyết số lượng tiền tệ, Friedman dành một phần lớn công sức và thời gian cho các công trình nghiên cứu về lịch sử tiền tệ. Những nghiên cứu này của ông, hoàn thành với sự góp sức của nhà kinh tế Anna Schwartz, đã trở thành những công trình kinh điển có một không hai về lịch sử tiền tệ của Mỹ và Anh.
Cũng thông qua những nghiên cứu này, Friedman lại một lần nữa đưa ra kết luận rất táo bạo, rằng chính chính sách thắt chặt tiền tệ một cách sai lầm vào cuối thập kỷ 1920 là nguyên nhân gây ra cuộc Đại khủng hoảng.
Dù những luận điểm của Friedman luôn gây nhiều tranh cãi, năm 1976, ông lên đến đỉnh cao vinh quang trong giới hàn lâm khi được trao giải Nobel về Kinh tế học. Những cống hiến to lớn của Friedman được Hội đồng trao giải khẳng định một cách rõ ràng và súc tích: “vì những thành tựu của ông trong lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử và lý thuyết tiền tệ, và vì việc làm rõ tính phức tạp của chính sách bình ổn”.
Một năm sau khi nhận giải Nobel, ở tuổi 65, Friedman ngừng công việc giảng dạy ở Đại học Chicago, và hai ông bà chuyển sang San Francisco để an dưỡng tuổi già.  Nhưng thực ra công việc của ông hầu như không bị gián đoán, vì ở đây ông chuyển sang cộng tác với Viện Nghiên cứu Hoover của Đại học Stanford. Đồng thời, đây cũng là quãng thời gian làm việc không kém phần năng suất và lý thú của hai ông bà. Đây là khi ông gây được ảnh hưởng to lớn tới quần chúng Mỹ nhờ bộ phim tài liệu nhiều tập “Tự do lựa chọn!” (Free to Choose, 1979), mà nền tảng triết lý hoàn toàn nhất quán với những gì ông đã viết ra trong “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” gần 20 năm về trước. Bộ phim và cuốn sách cùng tên xuất bản sau đó đã góp phần định hình dư luận của quảng đại quần chúng Mỹ cũng như quan điểm chính sách kinh tế ở nước này trong thập kỷ 1980.
Friedman là một nhà lý thuyết đầy uy tín được ngưỡng mộ, nhưng ông không ngự trên tháp ngà của giới hàn lâm, mà tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Trong nhiều năm trời, Friedman đã viết hàng trăm bài xã luận và bình luận trên báo chí đại chúng, nêu cao những giá trị của chủ nghĩa tự do, truyền bá niềm tin vô bờ vào cơ chế thị trường như là công cụ giúp ổn định xã hội và làm nền tảng cho nền văn minh.
Về mặt chính trị, ông ủng hộ các quan điểm tự do, liên tục làm cố vấn kinh tế cho các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà từ những năm 1960. Khi Nixon và Reagan trúng cử, họ đều ít nhiều áp dụng các chính sách kinh tế của ông. Một thành công chính trị mà Friedman thực sự thừa nhận và cảm thấy tự hào vì đã tham gia vào quá trình vận động, là việc bãi bỏ chế độ quân dịch bắt buộc tại Mỹ vào năm 1973.
Khi Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách kinh tế, các nhà lãnh đạo nước này đã mời Friedman sang thuyết trình về kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế thị trường. Trong một bài viết vào năm ngoái, ở tuổi 93, Friedman đã không che dấu niềm hạnh phúc được tận mắt chứng kiến khúc khải hoàn của thị trường tự do đang tấu lên trên khắp đất nước đông dân nhất thế giới này.
Nhìn lại sự nghiệp bao trùm gần như toàn bộ nửa sau thế kỷ XX của Milton Friedman, có thể nhận thấy ở đây sự tiếp nối không ngưng nghỉ của truyền thống nhân văn phương Tây, truyền thống tin tưởng vào sự tự do trong bản chất con người, cái mà họ có thể tự đấu tranh để gìn giữ bằng lương tri và sự sáng suốt nơi bản thân mà không cần được ban phát.
Triết lý kinh tế của Friedman không gì khác là sự vận dụng truyền thống đó trong đời sống hiện đại, bằng cách đặt niềm tin sắt đá vào thị trường, vào sức sống mãnh liệt của nó, cũng như sự hài hoà mà nó có thể tạo ra.
Theo Nguyễn Đức ThànhVnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét