Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates


(VTC News) - Với một người đã và đang tạo ra những điều kỳ diệu như tỷ phú Bill Gates, những câu nói của ông cũng rất đáng để lắng nghe.


Có hai lý do để Bill Gates và những phát ngôn của ông được trân trọng đến vậy. Thứ nhất, hơn bất cứ một doanh nhân nào, Bill Gates chính là lý do mà bạn đang sử dụng thiết bị máy tính cá nhân để đọc bài báo này. Và cũng nhờ đó, ông trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.

Thứ hai, Bill Gates hiện không còn là người đàn ông giàu nhất thế giới bởi ông còn bận rộn với việc sử dụng các khoản tiền mà ông kiếm được vì lợi ích cộng đồng, giúp không ít người thoát khỏi đói nghèo, mù chữ, bệnh tật...
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc là một doanh nhân: Trong số những chu kỳ hoạt động của trí óc, tôi dành khoảng 10% cho những suy nghĩ liên quan tới kinh doanh. Kinh doanh không quá phức tạp như bạn nghĩ. Tôi còn không muốn thể hiện nó trong danh thiếp của mình. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về định nghĩa "thông minh": Đây quả thực là một khái niệm khó nắm bắt. Chắc chắn người thông minh phải sở hữu sự sắc sảo, khả năng tiếp nhận, thẩm thấu cái mới. Khi gặp phải một tình huống, bạn phải tìm cách lý giải và lập tức đặt câu hỏi: "Chuyện này thực chất là gì?". Hãy đặt một câu hỏi thật sáng suốt. Để cảm nhận sự việc một cách thực tế. Ngoài ra, còn có khả nưng ghi nhớ. Để liên hệ với những lĩnh vực mà có vẻ như ban đầu chúng chẳng có chút liên quan nào với nhau. Một sự sáng tạo nhất định sẽ cho phép con người làm việc hiệu quả. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc nói với nhân viên sự thật, một cách nhanh chóng: Nếu tôi nghĩ có điều gì đó đang làm lãng phí thời gian hay không thích hợp, tôi sẽ không chờ đợi để chỉ nó ra mà nói ngay lập tức. Ngay lúc nhận thấy. Vì vậy, bạn có thể nghe thấy tôi phát biểu: "Đó là ý tưởng ngớ ngẩn nhất mà tôi từng biết" rất nhiều lần chỉ trong một cuộc họp. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc sử dụng nỗi sợ hãi như một động lực: Trong lĩnh vực kinh doanh này, trước khi bạn nhận ra mình đang gặp rắc rối, khi đó lại là quá muộn để tự cứu mình. Nếu không hoạt động trong tình trạng lo sợ điều xấu nhất, bạn sẽ bị loại thôi. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về Steve Jobs: Thế giới hiếm khi được chứng kiến một người có ảnh hưởng sâu sắc như Steve. Đó là thứ ảnh hưởng còn tác động tới nhiều thế hệ sau này. Với những người đủ may mắn trong số chúng tôi được làm việc với ông ấy, đó thực sự là một vinh dự tuyệt vời. Tôi sẽ nhớ Steve vô cùng. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về những khách hàng chưa cảm thấy hài lòng: Những khách hàng kém vui nhất của bạn chính là những người đem lại cho bạn bài học quý giá nhất.  
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về tuổi trẻ và lòng tự trọng: Thế giới sẽ chẳng quan tâm tới lòng tự trọng bạn. Thế giới chỉ trông chờ bạn hoàn thành được việc gì đó trước khi bạn cảm thấy hài lòng với chính mình. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về những bậc cha mẹ nhàm chán: Trước khi bạn sinh ra, cha mẹ không nhàm chán như hiện tại. Họ chỉ trở nên như thế khi phải miệt mài kiếm tiền để lo chi phí cho bạn, giặt giũ quần áo cho bạn, lắng nghe bạn trò chuyện về việc bạn nghĩ mình trông sẽ sành điệu, hợp thời như thế nào. Vì vậy, trước khi bạn định tự lập, tách khỏi cha mẹ, hãy cố gắng dọn sạch tủ quần áo của chính mình đi. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc so sánh mình với người khác: Đừng so sánh bản thân bạn với bất cứ ai khác trên thế giới này. Nếu làm như vậy, bạn đang xúc phạm chính mình. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về thành công: Thành công là một giáo viên tồi. Nó dụ dỗ những người thông minh nghĩ rằng họ không thể thất bại. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về công bằng: Cuộc sống chẳng bao giờ công bằng đâu. Hãy vượt qua thôi! 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về thất bại: Thật tốt khi được ăn mừng thành công nhưng còn quan trọng hơn nhiều khi tìm ra những bài học từ thất bại. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về tầm nhìn ngắn hạn và trung hạn: Chúng ta luôn đánh giá quá mức những thay đổi sẽ xảy ra trong vài năm tới mà không đánh giá đúng mực những thay đổi trong 10 năm nữa. Đừng để chính mình bị ru ngủ trong thế bị động. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc sử dụng công nghệ để giúp kinh doanh hiệu quả hơn: Nguyên tắc đầu tiên của bất cứ công nghệ nào sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh là kỹ thuật tự động hóa được ứng dụng một cách hiệu quả trong khâu điều hành. Khi đó, nó sẽ giúp hiệu quả của toàn bộ hệ thống tăng lên nhiều lần. Và ngược lại. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về giáo dục và nghèo đói: Cho tới khi chúng ta giáo dục được mỗi đứa trẻ theo một cách tuyệt vời và nội bộ mỗi thành phố đều được thanh lọc, còn rất nhiều việc phải làm. 
Những câu nói tiết lộ thành công kì diệu Bill Gates
Về việc đạt điểm tốt: Tôi bị trượt vài môn học trong kỳ thi nhưng một người bạn của tôi thì qua tất cả. Giờ đây, người bạn ấy là một kỹ sư của Microsoft, còn tôi là ông chủ Microsoft. 

Huyền Trang (theo BI)

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm


Một bài viết hay, đọc để ghi nhớ bản thân, "Một cách từ tốn, không vội vàng chụp giựt, chúng ta cần xây dựng bản thân thông minh, mà thông minh nhất là không sống vượt trên sức mình của mình, không sống khác với bản thân mình".


Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm

Mười năm vừa qua, khi bong bóng tài sản và kinh tế được “bơm” lên, hầu hết người Việt tỉnh táo đều bị “sốc” trước một xã hội xa hoa hình thành quá nhanh.

Đâu đâu cũng bàn căn hộ triệu đô, ai ai cũng mơ sống trong các tòa nhà cao cấp với bảo vệ gác cửa, hồ bơi, siêu thị bên trong. Chiếc Toyota “vang bóng một thời” giờ bị xem là taxi, xe thì phải là Merc, BMW, Audi, thậm chí Lamborghini. Đi nước ngoài, chữa bệnh nước ngoài, mua nhà ở Mỹ thành chuyện thông thường...
15 năm trước thôi, tất cả những điều này vẫn còn quá xa lạ, thậm chí còn bị chút khinh miệt, nghi ngờ, vì cái thế giới hào nhoáng đó tưởng chỉ có trong các bộ phim Hong Kong thuở chưa có phim Hàn! Người Việt cũng từng có những trải nghiệm về một xã hội Việt khá giả, hoặc là Hà Nội xưa, hoặc là Huế đế đô, hoặc một Sài Gòn phong lưu cũ, nhưng trong xã hội truyền thống chưa bao giờ tồn tại một tâm lý xa hoa như thế.
Nhưng thật ra, chúng ta đang giàu hay nghèo?
Một vành đai nhỏ bé, “nghẹt thở”
Một cách từ tốn, không vội vàng chụp giựt, chúng ta cần xây dựng một quốc gia thông minh, mà thông minh nhất là không sống vượt trên sức của mình, không sống khác với bản thân mình.
Buổi sáng, từ nhà ở Gò Vấp đến trung tâm Sài Gòn làm việc, tôi thấy mình chuyển hóa qua bốn tầng thế giới. Chuyện đơn giản đầu tiên là quà sáng, nếu kêu một tô bún bò của bà Tám đầu hẻm thì chỉ mất 20.000 đồng. Nếu dừng gần Phú Nhuận ăn mì, giá đã 35.000 đồng. Nếu đến Phở Dậu quận 3, giá tận 65.000 đồng. Lên đến tiệm mì Nam Lợi đường Hàm Nghi, bữa sáng của tôi sẽ là 80.000 đồng. Một phần quà sáng từ Gò Vấp, qua Phú Nhuận, đến quận 3 và quận 1 đã chuyển hóa qua bốn mức giá và tăng lên gấp bốn lần.
Lại nữa, do yêu cầu công việc phải gặp gỡ, bàn bạc với người của các đối tác nước ngoài hay của các công ty lớn, nên vừa gửi xe máy vào bãi là tôi được nhảy lên xe Lexus đời mới bọc da thơm phức, họp hành ở các khu văn phòng sang trọng mát lạnh điều hòa, bao quanh là đường sá nhìn như nước ngoài, cà phê bàn việc ở tiệm Mojo thuộc khách sạn Sheraton, giá mỗi ly thức uống ít nhất 100.000 đồng, lại đi ăn trưa tại Park Hyatt, có khi là một phần steak bò Kobe giá 70 đôla (khoảng 1,5 triệu đồng)...
Thế rồi chiều về lại tà tà xe máy ghé quán bún chả gần Tân Sơn Nhất làm một suất 25.000 đồng bên cạnh một anh công nhân vừa tan tầm... Tôi nhận ra rằng mình thường xuyên trải qua cách sống của các tầng lớp khác nhau, có thể nói giai tầng của tôi chuyển đổi đến hai, ba lần trong ngày.
Và cũng nhờ các chuyển động “xuyên giai tầng” ấy, tôi nhận ra mình không giàu như mình vừa được sống, và toàn bộ cái thị trường cao cấp của xứ mình thật ra rất nhỏ bé, chỉ là một vành đai thượng lưu cạnh tranh nghẹt thở nằm ở vài phường trong quận 1, sau đó là các vành đai khác với giá trị giật cấp xuống rất nhanh, để tiến ra ngoại thành, nơi mỗi buổi chiều tan tầm nhìn các em công nhân dáng người “thấp nhỏ đồng hạng” đi kiếm vài bó rau rẻ cho bữa ăn chiều mà xót cả lòng.
Hiện tượng phân hóa mạnh như thế ở các mảng thị trường vốn đã nhỏ bé, các đứt gãy lớn trong sức mua... sẽ làm giảm khả năng phát triển mạnh của thương mại, dịch vụ và sản xuất. Hãy để ý, các chuỗi thương hiệu lớn hiện chỉ có thể quẩn quanh trong vành đai trung tâm với chục cửa hàng là hết “không gian sinh tồn”, bước ra khỏi vành đai đó sức mua giảm sút và khó mà tồn tại nổi. Ngược lại, ở các vành đai ngoại biên có không ít sản phẩm tốt nhưng chẳng thể nào đủ tiền trả chi phí mặt bằng để chen vào vành đai trung tâm, làm hạn chế sức bành trướng của thương hiệu nội.
Mà cả đất nước Việt Nam nói không ngoa chỉ có hai vành đai thượng lưu nhỏ xíu như vậy nằm ở Sài Gòn và Hà Nội, ngoài ra chẳng có một đô thị nào đạt được sức mua cao cấp tương tự. Vậy thì khó có thể nói chúng ta đã đạt được mức của một thị trường trung lưu chứ nói gì đến hai chữ xa hoa.
Tự mình rơi vào ảo ảnh PR
Chúng ta đều biết tâm lý xa hoa trong xã hội phần lớn xuất hiện từ cách tạo nhu cầu, tạo thị trường của các nhà kinh doanh. Điển hình nhất là thử phân tích cơ cấu giá thành của một chai nước hoa.
Nếu một chai nước hoa diễm tình và quý phái kiểu Ý có giá 100 đôla thì giá của thứ nước hoa bên trong chỉ là 30 đôla, giá của thiết kế cái chai và bao bì thật sexy là 20 đôla, còn lại là tiền thuê quảng cáo, PR, thuê những nữ diễn viên thật gợi tình, mắt nhắm hờ, môi mọng đỏ, đứng bên chiếc Audi màu champagne trên đường phố cổ kính của nước Ý..., tất cả như một khối cầu thèm khát rực lửa khi những hơi nước hoa đầu tiên đụng vào cơ thể nàng. Xem thế, 100 đôla là giá phải trả cho một đam mê, một sự xa hoa, một ảo ảnh về nhan sắc.
Kinh doanh nhà cửa cũng vậy, đó là bán một giấc mơ. Nhà phát triển địa ốc thời gian qua đã không bán một căn nhà như một nhu cầu sống cấp thiết, bán “cái ăn, chốn ở”, mà họ đã đi rất xa vào một ảo ảnh. Trong số các nhà địa ốc mà tôi được biết, ít ai nghĩ đến việc xây một ngôi nhà cơ bản nhưng tận dụng các không gian thật khéo léo, thông minh để sống tốt trong một diện tích nhỏ, thuận hướng gió, nhiều ánh sáng, tiết kiệm điện năng...
Hầu hết đều cố tưởng tượng ra những điều “kỳ ảo” nhất để nhồi vào căn nhà, và kết quả là nhà phải có hồ bơi, nhưng mấy ai đủ thời giờ xuống bơi và phơi nắng, đọc sách như trong phim, thế là hồ bơi bỏ rong rêu, chứa lăng quăng; phòng tắm phải có bồn tắm, có vòi nước massage, mà chẳng ai có thì giờ để ngâm mình, trong khi cách tắm cơ bản nhất chỉ là một vòi sen một chiếc ghế nhẹ nhàng chắc chắn để ngồi tắm... Tất cả những chi tiết như thế đã góp phần làm căn nhà ngày càng xa rời giá trị thật.
Mà rất nhiều tinh hoa kinh doanh Việt, rất nhiều vốn liếng ít ỏi Việt đã được tập trung vào thị trường xa hoa này, đây vừa là thị phần vô cùng nhỏ bé trong toàn bộ nền kinh tế, lại vừa làm thất thoát rất nhiều tiền của để nhập khẩu hoặc tiêu dùng ở bên ngoài quốc gia. Còn một thị phần rất lớn các nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thì ít được lưu tâm, để sau cùng bị các công ty nước ngoài thâu tóm hết như hiện đang thấy.
Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm (1)
Đồ họa: Lê Thân
Thông minh là sống đúng sức mình
Trên thế gian này đâu phải ai cũng phải ra vẻ giàu có, sành điệu mới là người thành đạt. Philippines từng nhấn mạnh khi quảng bá trên báo chí thế giới: “Chúng tôi là nơi cung cấp những công nhân xây dựng lành nghề nhất thế giới”, và họ cũng không giấu giếm gì việc là quốc gia cung cấp người giúp việc nhà chuyên nghiệp toàn cầu.
Còn tại Thái Lan, chính phủ đã xây dựng một chương trình phát triển sản phẩm truyền thống mang tên OTOP (viết tắt của One Tambon One Product, nghĩa là Mỗi làng một sản phẩm, tambon tiếng Thái tương tự làng xã của ta), là chương trình giúp khai thác các sản phẩm truyền thống nằm rải rác trong dân gian, đưa công nghệ mới vào, thêm kỹ thuật marketing hiện đại, giúp sản phẩm đạt chuẩn để chào bán trên thị trường quốc tế.
Xã hội nào cũng phải xây dựng trên một tầng lớp chủ yếu. Nước Mỹ lấy nền tảng là tầng lớp trung lưu (tùy tiểu bang, có thu nhập từ 25.000-200.000 đôla/năm) vốn chiếm đa số tại nước họ. Trung Quốc thì đang cố gắng xây dựng một xã hội khá giả... Còn ở ta, ai cũng rõ 70% là nông dân với thu nhập bấp bênh, còn lớp trung lưu chỉ tập trung ở đầu dưới của chuẩn trung lưu tại các nước đang phát triển, tức thu nhập phổ biến ở mức 15 triệu đồng/tháng.
Vậy đúng ra chúng ta phải xây dựng một nền tảng về tâm thức xã hội, một hoạt động kinh tế dựa trên thành phần chuẩn đó của mình. Từ xưa chúng ta đã có một xã hội thanh đạm và trầm tĩnh phù hợp với thực tế đó. Cha ông ta đã chứng minh rằng dù hầu hết là nông dân, công nhân, thị dân nghèo và tầng lớp trung lưu thấp, chúng ta có thể không giàu, sức mua chưa cao nhưng vẫn có thể có một phong cách tiêu dùng tao nhã, trí thức.
Một cách từ tốn, không vội vàng chụp giựt, chúng ta cần xây dựng một quốc gia thông minh, mà thông minh nhất là không sống vượt trên sức của mình, không sống khác với bản thân mình.
“Cũng quan trọng như việc cần có một nền kinh tế thịnh vượng, chúng ta còn cần sự thịnh vượng của lòng tốt và sự khiêm cung”. Câu nói đó không phải từ một người nghèo mà từ một người danh giá hàng đầu nước Mỹ, bà Caroline Kennedy, một nữ luật sư, một tác giả có tiếng, xuất thân trong một dòng họ giàu có và là con gái cố tổng thống Kennedy.
Theo Lưu Vĩ Lân
Tuổi trẻ cuối tuần

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Việt Nam cần những entrepreneur

11:6', 27/1/ 2005 (GMT+7)
Lần đầu tiên Ngày Doanh nhân Việt Nam chính thức được thành lập (13-10-2004). Sự kiện ấy là tín hiệu tốt, cho thấy xã hội đã nhận thức rõ về vai trò tích cực của doanh nhân, đúng hơn là entrepreneur.
Henry Ford
Entrepreneur (tiếng Anh, gốc tiếng Pháp) thường được dịch là nhà doanh nghiệp hay doanh nhân. Cách dịch này không lột tả được nội hàm của thuật ngữ, vì thế sau đây người viết vẫn dùng từ entrepreneur thay vì doanh nhân. Entrepreneur là người, do động cơ lợi nhuận, đứng ra sáng lập một doanh nghiệp mới để cung ứng một sản phẩm hay dịch vụ cho một thị trường; sản phẩm hay dịch vụ và thị trường ấy hoàn toàn mới hoặc đang sẵn có. Theo ý nghĩa này, entrepreneur là “thái tổ” của doanh nghiệp (business innovator). Vì vậy thuộc tính thứ nhất của entrepreneur là khai sáng, khởi phát cái gì mới mẻ.
Entrepreneur thường tin tưởng mãnh liệt vào một cơ hội trên thị trường và để đeo đuổi cơ hội ấy, họ sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro lớn nhất xảy ra cho bản thân, nghề nghiệp và tiền bạc của họ. Bởi thế, thuộc tính thứ hai của entrepreneur là mạo hiểm.
John Pierpont Morgan
Entrepreneur cần có nhiều kỹ năng khéo léo khác nhau để, nếu không quán xuyến được tất cả, cũng đủ sức đảm đương hầu hết các chức năng, nhiệm vụ trên thương trường vì khi khởi nghiệp họ thường chỉ có chút vốn liếng hạn chế. Cho nên, thuộc tính thứ ba của entrepreneur là tháo vát.
Máu cạnh tranh, lòng tự tin, ý chí quyết đoán và khả năng lãnh đạo cũng là những thuộc tính khác của entrepreneur.
Trong văn hóa Mỹ, entrepreneur thường được xem là một thành tố cốt lõi (a critical component) của xã hội tư bản. Theo Wikipedia, các entrepreneur danh tiếng và tiêu biểu của Mỹ xưa nay gồm bốn gương mặt sau đây:
1. Henry Ford (l863 - 1947) là con một nhà nông, có công phát triển xe hơi chạy xăng (l893), sáng lập Hãng xe Ford (1903), tìm ra phương pháp sản xuất hàng loạt (mass production) và kiện toàn dây chuyền lắp ráp (assembly line, 1908 - 1927). Lúc đầu, phương pháp này chỉ áp dụng trong Hãng Ford nhưng về sau áp dụng được cho rất nhiều ngành nghề và nhà máy khác nhau trên toàn thế giới. Ford không chỉ cách mạng công nghệ sản xuất mà còn tác động lớn đến nếp sống văn hóa thời đại, khiến cho nhiều nhà lý thuyết xã hội đã tạo ra từ “Fordism” để gọi tên phương pháp sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao độ của Ford.
2. John Pierpont Morgan (l837 - 1913) là một trong những nhà tài chánh và ngân hàng thế lực nhất trên thế giới. Ngoài việc tài trợ để thành lập Công ty Thép Hoa Kỳ (the United States Steel Corporation), ông còn cung cấp cho Chính phủ Mỹ số vàng trị giá 62 triệu Mỹ kim để trợ giúp Nhà nước phát hành công trái phiếu (1895) và nhờ thế phục hồi cho quốc khố số dư 100 triệu Mỹ kim. Đây chỉ là hai trong rất nhiều thành tích lẫy lừng của ông.
Thomas Alva Edison
3. Thomas Alva Edison (l847 - 1931) là nhà phát minh kiêm entrepreneur, làm chủ 1.093 bằng sáng chế mang tên ông. Hầu hết các phát minh của ông chính là kết quả hoàn thiện lại phát minh của những người đi trước. Ông là một trong những nhà phát minh đầu tiên áp dụng nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào việc thương mại hóa các phát minh của mình. Tạp chí Life xếp ông đứng đầu danh sách 100 người quan trọng nhất của thiên niên kỷ qua và nói rằng cái bóng đèn điện do ông phát minh đã có công “thắp sáng cả thế giới”.
4. Bill Gates (sinh ngày 28-10-1955) là Chủ tịch và Trưởng thiết kế phần mềm (Chief Software Architect) của Công ty Microsoft do ông và Paul Allen đồng sáng lập khi ông đang là sinh viên tại Viện Đại học Harvard. Theo Tạp chí Forbes, liên tiếp nhiều năm từ 1996 trở đi ông là người giàu số một thế giới, tài sản có lúc lên tới 90 tỷ Mỹ kim (1999).
Không phải vô lý mà Wikipedia nêu lên bốn tên tuổi ấy. Hãy bỏ qua vấn đề quốc tịch của họ, nhìn họ ở góc độ là các entrepreneur đích thực để rút ra một suy gẫm về vai trò thiết yếu của entrepreneur đối với dân tộc và nhân loại.
Bill Gates
Mấy dòng tóm tắt sự nghiệp của bốn nhân vật trên đây tuy sơ sài vẫn có thể hé cho thấy rằng họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà thực sự còn làm giàu rất nhiều cho dân tộc họ và cả nhân loại. Bởi lẽ họ đã: sáng tạo một phương pháp sản xuất mang tính cách mạng sâu rộng toàn cầu (Ford); góp phần ý nghĩa to tát vào nền tài chánh vững mạnh của đất nước (Morgan); tác động rất mạnh vào tiến trình văn minh, tiến bộ của nhân loại (Edison); làm một tác nhân quan trọng của sự bùng nổ thông tin toàn cầu do sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ máy tính (Gates).
Nếu chấp nhận suy nghĩ trên, phải chăng lại có thể nhận thức thêm rằng chính những gì entrepreneur đóng góp cho văn hóa, văn minh nhân loại mới thực sự quan trọng hơn số gia sản kếch sù do họ tạo ra? Nếu là thế, một dân tộc muốn vượt trội lên vị trí phú cường, thịnh vượng, văn minh, tiên tiến có lẽ cũng cần trông cậy những entrepreneur chân chính và đích thực.
Một con người bẩm sinh có sẵn tố chất của entrepreneur cũng chưa đủ để thành công, mà còn phải có một chính sách kinh tế phù hợp và thuận lợi, một chiến lược ổn định và sáng suốt về quốc kế dân sinh của các nhà lãnh đạo đất nước. Ngoài entrepreneur bẩm sinh chắc chắn vẫn có thể đào tạo nên entrepreneur tài năng và chân chính. Điều này lệ thuộc vào một chiến lược giáo dục sáng suốt và khôn ngoan. Nếu mục tiêu cấp bách của quốc sách giáo dục là tạo ra đội ngũ hiền tài cho đất nước thì đừng hiểu hiền tài chỉ là những công chức phục vụ cỗ máy hành chính. Có lẽ cần đưa thêm yếu tố entrepreneur vào ý nghĩa hiền tài khi mà dân tộc cần mau chóng thoát ra cái nhục của một nước nghèo.
LÊ ANH DŨNG

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Milton Friedman


Hôm nay học macroeconomic, mới biết được ông Friedman, người mệnh danh là cha đẻ của thị trường tự do


"Để tưởng nhớ Milton Friedman"

Khi Milton Friedman tạ thế tại nhà riêng ở San Francisco vào ngày 16/11/2006, khoa học kinh tế đã mất một người thầy lớn, nhân loại mất một nhà tư tưởng lỗi lạc.
Cùng với những nhà kinh tế vĩ đại nhất của thế kỷ XX, như John Maynard Keynes, Joseph Alois Schumpeter, hay Friedrich von Hayek, Milton Friedman đã để lại một di sản không gì thay thế được trong toà lâu đài nguy nga của kinh tế học hiện đại.
Những cống hiến của ông về lý thuyết, lịch sử và chính sách tiền tệ, về lý thuyết tiêu dùng, lạm phát và thất nghiệp, về triết lý tự do kinh tế, không chỉ có ảnh hưởng lâu dài trong giới hàn lâm, mà còn phủ bóng lên cuộc sống kinh tế hàng ngày của quảng đại quần chúng, và đặc biệt là vẫn đã và đang định hình nên tư tưởng của nhiều thế hệ trên khắp thế giới.
Friedman sinh năm 1912 tại Brooklyn, Hoa Kỳ, trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Đông Âu. Khi cậu bé Milton được hơn một tuổi, gia đình chuyển đến Rahway, một thị trấn nhỏ ở phía bắc bang New Jesey. Là con trai út và duy nhất trong bốn chị em, cậu lớn lên trong tuổi thơ nghèo khó. Cả nhà Milton sống dựa vào một cửa hàng tạp hoá nhỏ, trong hoàn cảnh chật vật bấp bênh, mà sau này ông từng hóm hỉnh ôn lại rằng “khủng hoảng tài chính thường xuyên diễn ra.”
Từ nhỏ, Milton đã say mê với những cuốn sách trong cái thư viện nhỏ bé của thị trấn Rahway và hầu như đã đọc hết sách ở đó. Cậu luôn là một học sinh xuất sắc trong lớp và qua năm lớp năm liền học nhảy cóc lên luôn lớp bảy. Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu nhận được học bổng miễn học phí để vào trường Đại học Rutgers không quá xa nhà. Tuổi sinh viên trôi qua với đủ thứ nghề để kiếm sống, như chạy bàn, gia sư, hay làm sổ sách kế toán cho một cửa hàng tạp hoá.
Chính trong thời kỳ đại học, cậu sinh viên đã được hai vị giáo sư kèm cặp, những người sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến tư tưởng của cậu trong tương lai. Người thứ nhất là Arthur Burns, sau này sẽ có lúc trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), người chắc hẳn đã làm Friedman quan tâm đến các vấn đề tiền tệ. Người thứ hai là Homer Jones, vị giáo sư trẻ luôn nhiệt thành truyền bá cho sinh viên những giá trị cao cả của tự do cá nhân.
Dù sao, khi sắp sửa tốt nghiệp, tìm đường cho cuộc mưu sinh là nhu cầu thiết yếu cho chàng trai nghèo. Chàng sinh viên Friedman đã nghĩ sẽ tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định, như làm chuyên viên bán bảo hiểm. Nhưng đó cũng là những năm định mệnh của thế kỷ XX, khi cuộc Đại khủng hoảng đang tàn phá dữ dội nền kinh tế Mỹ và lan ra như cơn lốc trong các nước công nghiệp phương Tây, cướp đi thành quả của nhiều năm phồn vinh trước đó.
Giống như nhiều nhà kinh tế vĩ đại của thế kỷ XX, thực tại nghiệt ngã đã khiến Friedman không thể không ý thức về các vấn đề kinh tế. Đó là năm 1932, năm quyết định số phận ông. Sau này ông lý giải: “Nếu anh là một sinh viên sắp ra trường ở tuổi 19, điều gì sẽ là quan trọng hơn đối với anh: tìm cách tính ra mức giá đúng cho các khoản bảo hiểm nhân thọ, hay là thử cố tìm hiểu xem điều gì đã khiến cho thế giới thành ra nông nỗi này?” 
Vậy là người thanh niên 20 tuổi đã từ bỏ con đường dẫn tới một chỗ làm ổn định, để đi theo tiếng gọi của niềm ham hiểu biết. Arthur Burns sẵn lòng viết thư giới thiệu để giúp  cậu học trò xuất sắc của mình được nhận vào chương trình sau đại học của khoa Kinh tế trường Đại học Chicago.
Đại học Chicago đã mở ra cho Friedman một thế giới huy hoàng của kinh tế học, nơi ông khám phá những chân trời mới và có cơ hội tham gia vào những dự án nghiên cứu nghiêm túc. Đây cũng là nơi ông quen biết và yêu Rose Director, một nghiên cứu sinh cùng khoa, người sẽ trở thành vợ ông sau đó. Ông vừa theo học ở Đại học Chicago và Đại học Columbia, đồng thời làm việc tích cực ở các trung tâm nghiên cứu, và cuối cùng chuyển tới làm việc với nhà kinh tế danh tiếng Simon Kuznets ở Ban Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) trong một dự án nghiên cứu về thu nhập của các ngành có chuyên môn cao.
Kết quả của dự án là một cuốn sách ông đứng tên tác giả cùng Kuznets. Cũng chính trên kết quả nghiên cứu này, Friedman đã phát triển luận văn tiến sỹ của mình. Trong luận văn ông vạch ra rằng vì các ngành có chuyên môn cao như luật sư, bác sỹ, cần phải có giấy chứng nhận của ngành, nên đã tạo ra một rào cản không cho mọi người tự do gia nhập ngành, dẫn đến hiện tượng độc quyền nhóm. Do đó, ông kết luận rằng những người làm trong các ngành này được hưởng một mức thu nhập cao hơn hẳn các ngành khác nhờ vị thế độc quyền của họ, dẫn đến hậu quả là người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn trong khi lượng dịch vụ cung ứng lại ít hơn mức mong đợi.
Vấn đề ông nêu lên quá nhạy cảm vào thời gian đó và đe doạ làm nổ ra những cuộc tranh cãi gây chia rẽ. Đại học Columbia đã đình luận văn của ông lại 5 năm liền không để ông tốt nghiệp, nghĩa là mãi đến 1946 ông mới nhận được bằng Tiến sỹ. Đây là một bài học quan trọng đầu đời cho nhà kinh tế trẻ, khiến ông thấm thía rằng những khám phá khoa học hàn lâm có thể gây phiền phức cho cá nhân người nghiên cứu như thế nào, nhưng đồng thời nó cũng có thể khuấy lên những cơn bão táp ra sao.
Sau khi nhận bằng Tiến sỹ, Friedman được bổ nhiệm giảng dạy kinh tế học ở Đại học Chicago. Từ đây sự nghiệp của ông bắt đầu phát triển rực rỡ với những đóng góp to lớn cho kinh tế học. Cùng với George J. Stigler (Giải Nobel 1982), ông góp phần phục hưng trường phái Chicago sau Thế chiến II, biến Khoa Kinh tế thành nơi tụ hợp và đào tạo nên những nhà kinh tế lỗi lạc như Theodore W. Schultz (Giải Nobel 1979), Ronald H. Coase (Giải Nobel 1991), Gary. S. Becker (Giải Nobel 1992), Merton H. Miller (Giải Nobel 1990), Robert W. Fogel (Giải Nobel 1993), Robert E.Lucas (Giải Nobel 1995), Hebert A. Simon (Giải Nobel 1978), James M. Buchanan (Giải Nobel 1986), Harry M. Markowitz (Giải Nobel 1990) và Myron S. Scholes (Giải Nobel 1997).
Sự phục hưng trường phái Chicago không chỉ là việc bành trướng ảnh hưởng của Khoa Kinh tế Chicago trong ngành kinh tế học nói riêng, mà còn là sự bành trướng chính môn kinh tế học thành một đế chế trong khoa học xã hội, với tham vọng giải thích sự vận động của lịch sử cũng như nhiều hành vi cá nhân và xã hội trên những nền tảng căn bản của kinh tế học.
Suốt trong ba thập kỷ ở Chicago, từ năm 1946 cho đến khi nghỉ hưu năm 1977, Friedman đã cống hiến không ngừng nghỉ cho kinh tế học, từ triết lý và phương pháp luận kinh tế, đến lý thuyết tiêu dùng, và quan trọng hơn cả là lý thuyết tiền tệ cùng những nguyên lý làm nền tảng cho chính sách tiền tệ và tài khoá. 
Ngay từ cuối những năm 1950, khi chủ nghĩa can thiệp của trường phái Keynes như ngọn triều cường đang lan tràn trên khắp thế giới tư bản chủ nghĩa, Friedman đã khẳng định mình như một tư tưởng gia kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa tự do kinh tế, truyền thống được gây dựng suốt từ trước thế kỷ XIX, nhưng đã bị cái bóng vĩ đại của Keynes che khuất từ sau cuộc Đại khủng hoảng.
Cùng với một số ít các nhà tư tưởng tự do kiên định lúc bấy giờ như Hayek, Friedman đã truyền bá không mệt mỏi đức tin vào thị trường tự do và sự hài hoà mà nó có thể mang lại cho nền kinh tế, đồng thời cương quyết chống lại chủ nghĩa can thiệp và bảo hộ của chính phủ. Chính trên truyền thống này, ông đã gây dựng nên hệ thống triết lý xã hội tự do có ảnh hưởng lâu dài và vươn ra rất xa ngoài giới hàn lâm.
Năm 1962, ông xuất bản tác phẩm “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” (Capitalism and Freedom) trong đó nêu rõ những gì chính phủ nên làm và không nên làm, nhằm kiến tạo một xã hội thịnh vượng mà vẫn bảo đảm được quyền tự do cho các công dân của mình. Quan điểm chủ đạo xuyên suốt tác phẩm này là chính phủ chỉ nên đóng vai trò tối thiểu, như làm người bảo đảm pháp luật và trật tự xã hội, phân định quyền sở hữu, duy trì và chỉnh sửa luật chơi cho các tác nhân kinh tế, bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, cung cấp một hệ thống tiền tệ thống nhất, khuyến khích cạnh tranh và chống độc quyền, cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và trẻ vị thành niên.
Cũng trong thời gian này, ông công bố lý thuyết về hàm tiêu dùng (1957), nội dung chủ yếu cho rằng tiêu dùng của cá nhân hoặc hộ gia đình phụ thuộc vào thu nhập dài hạn kỳ vọng chứ không phải thu nhập hiện thời như quan điểm của Keynes. Do đó, ông cho rằng tổng tiêu dùng của nền kinh tế ổn định hơn những người theo Keynes vẫn nghĩ. Lý luận này của Friedman được biết đến như là giả thuyết thu nhập lâu dài trong các lý thuyết chuẩn hiện nay về hàm tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, có lẽ Friedman vẫn được biết tới nhiều nhất như là nhà lãnh đạo của phái Trọng tiền (Monetarism) trong kinh tế học. Là người ngay từ đầu đã bảo vệ lý thuyết số lượng tiền tệ, Friedman chắc chắn là lý thuyết gia có công lớn nhất trong thế kỷ XX làm mới và truyền bá học thuyết này, đưa nó vào làm nền tảng lý luận cho những cuộc tranh luận không khoan nhượng của ông về chính sách tiền tệ.  Ông thống lĩnh những cuộc tấn công làm xói mòn bức trường thành tín điều do Keynes dựng nên cho rằng chính sách tiền tệ có thể đẩy lui được nạn thất nghiệp nhờ tạo ra lạm phát.
Gần như đồng thời, vào cuối những năm 1960, Friedman và Edmund Phelps, một nhà kinh tế ở Đại học Columbia (người mới được nhận giải Nobel Kinh tế năm nay), cùng đưa ra khái niệm “thất nghiệp tự nhiên,” là mức mà mọi tham vọng đẩy thất nghiệp xuống thấp hơn mức này bằng chính sách tiền tệ sớm muộn đều thất bại, và cái giá phải trả chỉ có thể là lạm phát triền miên và ngày càng tăng tốc.
Với khái niệm này, Friedman và Phelps đã chấm dứt giấc mộng của các nhà kinh tế trường phái Keynes muốn đưa nền kinh tế đến toàn dụng nhân công thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ.
Để có bằng chứng củng cố cho lý thuyết số lượng tiền tệ, Friedman dành một phần lớn công sức và thời gian cho các công trình nghiên cứu về lịch sử tiền tệ. Những nghiên cứu này của ông, hoàn thành với sự góp sức của nhà kinh tế Anna Schwartz, đã trở thành những công trình kinh điển có một không hai về lịch sử tiền tệ của Mỹ và Anh.
Cũng thông qua những nghiên cứu này, Friedman lại một lần nữa đưa ra kết luận rất táo bạo, rằng chính chính sách thắt chặt tiền tệ một cách sai lầm vào cuối thập kỷ 1920 là nguyên nhân gây ra cuộc Đại khủng hoảng.
Dù những luận điểm của Friedman luôn gây nhiều tranh cãi, năm 1976, ông lên đến đỉnh cao vinh quang trong giới hàn lâm khi được trao giải Nobel về Kinh tế học. Những cống hiến to lớn của Friedman được Hội đồng trao giải khẳng định một cách rõ ràng và súc tích: “vì những thành tựu của ông trong lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử và lý thuyết tiền tệ, và vì việc làm rõ tính phức tạp của chính sách bình ổn”.
Một năm sau khi nhận giải Nobel, ở tuổi 65, Friedman ngừng công việc giảng dạy ở Đại học Chicago, và hai ông bà chuyển sang San Francisco để an dưỡng tuổi già.  Nhưng thực ra công việc của ông hầu như không bị gián đoán, vì ở đây ông chuyển sang cộng tác với Viện Nghiên cứu Hoover của Đại học Stanford. Đồng thời, đây cũng là quãng thời gian làm việc không kém phần năng suất và lý thú của hai ông bà. Đây là khi ông gây được ảnh hưởng to lớn tới quần chúng Mỹ nhờ bộ phim tài liệu nhiều tập “Tự do lựa chọn!” (Free to Choose, 1979), mà nền tảng triết lý hoàn toàn nhất quán với những gì ông đã viết ra trong “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” gần 20 năm về trước. Bộ phim và cuốn sách cùng tên xuất bản sau đó đã góp phần định hình dư luận của quảng đại quần chúng Mỹ cũng như quan điểm chính sách kinh tế ở nước này trong thập kỷ 1980.
Friedman là một nhà lý thuyết đầy uy tín được ngưỡng mộ, nhưng ông không ngự trên tháp ngà của giới hàn lâm, mà tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Trong nhiều năm trời, Friedman đã viết hàng trăm bài xã luận và bình luận trên báo chí đại chúng, nêu cao những giá trị của chủ nghĩa tự do, truyền bá niềm tin vô bờ vào cơ chế thị trường như là công cụ giúp ổn định xã hội và làm nền tảng cho nền văn minh.
Về mặt chính trị, ông ủng hộ các quan điểm tự do, liên tục làm cố vấn kinh tế cho các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà từ những năm 1960. Khi Nixon và Reagan trúng cử, họ đều ít nhiều áp dụng các chính sách kinh tế của ông. Một thành công chính trị mà Friedman thực sự thừa nhận và cảm thấy tự hào vì đã tham gia vào quá trình vận động, là việc bãi bỏ chế độ quân dịch bắt buộc tại Mỹ vào năm 1973.
Khi Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách kinh tế, các nhà lãnh đạo nước này đã mời Friedman sang thuyết trình về kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế thị trường. Trong một bài viết vào năm ngoái, ở tuổi 93, Friedman đã không che dấu niềm hạnh phúc được tận mắt chứng kiến khúc khải hoàn của thị trường tự do đang tấu lên trên khắp đất nước đông dân nhất thế giới này.
Nhìn lại sự nghiệp bao trùm gần như toàn bộ nửa sau thế kỷ XX của Milton Friedman, có thể nhận thấy ở đây sự tiếp nối không ngưng nghỉ của truyền thống nhân văn phương Tây, truyền thống tin tưởng vào sự tự do trong bản chất con người, cái mà họ có thể tự đấu tranh để gìn giữ bằng lương tri và sự sáng suốt nơi bản thân mà không cần được ban phát.
Triết lý kinh tế của Friedman không gì khác là sự vận dụng truyền thống đó trong đời sống hiện đại, bằng cách đặt niềm tin sắt đá vào thị trường, vào sức sống mãnh liệt của nó, cũng như sự hài hoà mà nó có thể tạo ra.
Theo Nguyễn Đức ThànhVnEconomy

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Vay mượn

Thói quen vay mượn cản trở tư duy sáng tạo, làm chậm lại tốc độ tích lũy kinh nghiệm tự lực trong thực hiện các dự án độc lập.