Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Vì sao Steve Jobs thành công hơn nhiều CEO khác?

picture "Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất nước Mỹ. Ông có đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng ông có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó", Tổng thống Mỹ Barack Obama viết.
Hôm 5/10, “huyền thoại” thung lũng Silicon, Steve Jobs, đã vĩnh viễn ra đi. Trong sự nghiệp hơn 30 năm của mình, ông đã mang lại nhiều điều mới lạ, thay đối cách nhìn thế giới của con người.

Như Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft, chia sẻ, “thế giới hiếm thấy mội ai có tầm ảnh hưởng sâu sắc như Steve, những hiệu ứng đó sẽ được cảm thấy trong nhiều thế hệ nữa. Với những ai trong chúng ta đủ may mắn để làm việc với ông ấy, đó là một vinh dự vô cùng lớn lao”.

Và những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ sự nghiệp của Steve Jobs sẽ là cuốn cẩm nang đáng quý đối với nhiều doanh nghiệp. Dưới đây là một phần trong đó.

1. Tìm kiếm sự đam mê


Steve Jobs từng nói, “hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt. Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”. Quả thực, nếu bạn chạy theo một công việc mà mình không hề yêu thích, một thất bại nhỏ cũng có thể khiến bạn chán nản và bỏ cuộc.

Sergey Brin, một trong những đồng sáng lập Google, đã viết rằng, "bất cứ ai từng chạm vào một sản phẩm của Apple cũng đều thấy được niềm đam mê của Steve Jobs đối với sự vượt trội".

2. Đơn giản là tinh tế


Đối với Jobs, đơn giản chính là sự tinh tế. Để tạo ra những sản phẩm mà những công cụ cần thiết nhất được thể hiện vai trò một cách rõ ràng và nổi bật, Steve Jobs thường lắc đầu, bỏ qua những tính năng màu mè, trang trí. iPad, iPhone là những minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này.

Tuy nhiên, đơn giản hóa có thể còn khó khăn hơn cả sự phức tạp, nó đòi hỏi người ta phải suy nghĩ tích cực hơn bằng mọi cách để biến mọi thứ trở nên đơn giản. Nhưng cuối cùng, như Jobs nói, nó sẽ giúp người ta vượt mọi trở ngại.

3. Tầm nhìn xa


Theo Steve, “bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai”. Sự quá tải trong công việc có thể cản trở con đường thành công của mỗi người. Khi bị phân tán vào quá nhiều việc làm, rất có thể chúng ta sẽ lãng quên mục tiêu chính.

4. Không ngừng học hỏi với cái tâm của người bắt đầu


Theo Steve: “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ”. Câu nói này của Jobs đặc biệt đúng trong thế giới công nghệ, đổi mới hoặc chấp nhận tụt hậu.

Jobs rất tâm đắc với một cụm từ "beginner's mind", tức là hãy học hỏi với cái tâm của người mới bắt đầu, luôn khao khát tìm tòi những điều mới. Sự tiếp cận những cái mới trên tinh thần cởi mở và đón nhận chúng như lần đầu tiếp xúc sẽ mang lại nhiều điều thú vị hơn.

5. Không lo sợ sự khác biệt


Theo Steve: “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple chính là một minh chứng cho điều này. Các cổ đông Apple từng cho rằng hình thức kinh doanh này một sự rủi ro lớn nhưng Jobs lại nhìn nhận theo cách khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới những khác biệt đó trong việc chinh phục thành công. "Đi đầu trong đổi mới chính là điểm phân biệt giữa một người lãnh đạo và người theo sau", Jobs nói.

6. Khát khao thành công


Apple trải qua 35 năm phát triển và trưởng thành. Trong "cuộc đời" của mình, Apple đã có lúc suýt phá sản nhưng với sự dẫn dắt của Steve Jobs, công ty này đứng vững trở lại và trở thành một trong những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới với hơn 50.000 nhân viên, doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỉ USD, tăng trưởng 60 %/ năm và mỗi năm lại cho ra đời những sản phẩm "hit" trên toàn cầu.

Sở dĩ Apple có được thành công lớn lao như vậy, là bởi người thuyền trưởng của họ luôn khát khao thành công và chỉ chấp nhận sự hoàn hảo. Steve từng nói, “hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công”.

7. Chú trọng bài toán nhân tài


Apple có một hội đồng quân sư cấp cao gọi là "top 100". Đây là một nhóm những nhà lãnh đạo chiến lược của công ty. Nhóm này thường xuyên kết nạp những nhân viên cấp dưới có kỹ năng tốt và đưa ra những ý tưởng hay. Điều này cho thấy Apple luôn chú trọng việc tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài. Sự thành công của doanh nghiệp là hoàn toàn dễ hiểu.

8. Kiên trì theo đuổi các dự án tưởng như "không tưởng"


Đối với bất kỳ một doanh nhân nào, ý tưởng luôn là vấn đề quan trọng. Steve Jobs từng nói, “hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn”.

Với 10 triệu USD, Jobs đã mua lại công ty đồ họa của George Lucas khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ, sau đó ông đổi tên thành Pixar. Năm 2006, ông bán Pixar cho tập đoàn Walt Disney với giá 7,4 tỉ USD và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Disney với 7% cổ phiếu, tương đương 3 tỷ USD. Mặc dù nhiều người biết đến ông qua những thành công trên lĩnh vực công nghệ, nhưng mảng hoạt họa cũng là một nguồn thu lớn của Jobs.

9. Hãy làm chủ thông điệp


Không phải tất cả các sản phẩm sáng tạo dưới thời của Jobs đều chiếm lĩnh thị trường, nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng tiếp nhận chúng. Điều này một phần là bởi Jobs luôn tạo được sự bí ẩn xung quanh các sản phẩm của mình, nó thôi thúc sự thèm muốn của khách hàng khi sản phẩm đó ra mắt.

Và mỗi khi ra mắt, Jobs luôn được giới truyền thông xưng tụng là một doanh nhân diễn thuyết hay nhất thế giới. Với khiếu trình bày bẩm sinh, ông có thể biến màn ra mắt sản phẩm mới thành buổi triển lãm nghệ thuật. Do vậy, dù bạn có trong tay sản phẩm ưu việt nhất thế giới, mà người ta không hứng thú với nó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét