Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Vì sao Steve Jobs thành công hơn nhiều CEO khác?

picture "Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất nước Mỹ. Ông có đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng ông có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó", Tổng thống Mỹ Barack Obama viết.
Hôm 5/10, “huyền thoại” thung lũng Silicon, Steve Jobs, đã vĩnh viễn ra đi. Trong sự nghiệp hơn 30 năm của mình, ông đã mang lại nhiều điều mới lạ, thay đối cách nhìn thế giới của con người.

Như Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft, chia sẻ, “thế giới hiếm thấy mội ai có tầm ảnh hưởng sâu sắc như Steve, những hiệu ứng đó sẽ được cảm thấy trong nhiều thế hệ nữa. Với những ai trong chúng ta đủ may mắn để làm việc với ông ấy, đó là một vinh dự vô cùng lớn lao”.

Và những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ sự nghiệp của Steve Jobs sẽ là cuốn cẩm nang đáng quý đối với nhiều doanh nghiệp. Dưới đây là một phần trong đó.

1. Tìm kiếm sự đam mê


Steve Jobs từng nói, “hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt. Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”. Quả thực, nếu bạn chạy theo một công việc mà mình không hề yêu thích, một thất bại nhỏ cũng có thể khiến bạn chán nản và bỏ cuộc.

Sergey Brin, một trong những đồng sáng lập Google, đã viết rằng, "bất cứ ai từng chạm vào một sản phẩm của Apple cũng đều thấy được niềm đam mê của Steve Jobs đối với sự vượt trội".

2. Đơn giản là tinh tế


Đối với Jobs, đơn giản chính là sự tinh tế. Để tạo ra những sản phẩm mà những công cụ cần thiết nhất được thể hiện vai trò một cách rõ ràng và nổi bật, Steve Jobs thường lắc đầu, bỏ qua những tính năng màu mè, trang trí. iPad, iPhone là những minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này.

Tuy nhiên, đơn giản hóa có thể còn khó khăn hơn cả sự phức tạp, nó đòi hỏi người ta phải suy nghĩ tích cực hơn bằng mọi cách để biến mọi thứ trở nên đơn giản. Nhưng cuối cùng, như Jobs nói, nó sẽ giúp người ta vượt mọi trở ngại.

3. Tầm nhìn xa


Theo Steve, “bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai”. Sự quá tải trong công việc có thể cản trở con đường thành công của mỗi người. Khi bị phân tán vào quá nhiều việc làm, rất có thể chúng ta sẽ lãng quên mục tiêu chính.

4. Không ngừng học hỏi với cái tâm của người bắt đầu


Theo Steve: “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ”. Câu nói này của Jobs đặc biệt đúng trong thế giới công nghệ, đổi mới hoặc chấp nhận tụt hậu.

Jobs rất tâm đắc với một cụm từ "beginner's mind", tức là hãy học hỏi với cái tâm của người mới bắt đầu, luôn khao khát tìm tòi những điều mới. Sự tiếp cận những cái mới trên tinh thần cởi mở và đón nhận chúng như lần đầu tiếp xúc sẽ mang lại nhiều điều thú vị hơn.

5. Không lo sợ sự khác biệt


Theo Steve: “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple chính là một minh chứng cho điều này. Các cổ đông Apple từng cho rằng hình thức kinh doanh này một sự rủi ro lớn nhưng Jobs lại nhìn nhận theo cách khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới những khác biệt đó trong việc chinh phục thành công. "Đi đầu trong đổi mới chính là điểm phân biệt giữa một người lãnh đạo và người theo sau", Jobs nói.

6. Khát khao thành công


Apple trải qua 35 năm phát triển và trưởng thành. Trong "cuộc đời" của mình, Apple đã có lúc suýt phá sản nhưng với sự dẫn dắt của Steve Jobs, công ty này đứng vững trở lại và trở thành một trong những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới với hơn 50.000 nhân viên, doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỉ USD, tăng trưởng 60 %/ năm và mỗi năm lại cho ra đời những sản phẩm "hit" trên toàn cầu.

Sở dĩ Apple có được thành công lớn lao như vậy, là bởi người thuyền trưởng của họ luôn khát khao thành công và chỉ chấp nhận sự hoàn hảo. Steve từng nói, “hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công”.

7. Chú trọng bài toán nhân tài


Apple có một hội đồng quân sư cấp cao gọi là "top 100". Đây là một nhóm những nhà lãnh đạo chiến lược của công ty. Nhóm này thường xuyên kết nạp những nhân viên cấp dưới có kỹ năng tốt và đưa ra những ý tưởng hay. Điều này cho thấy Apple luôn chú trọng việc tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài. Sự thành công của doanh nghiệp là hoàn toàn dễ hiểu.

8. Kiên trì theo đuổi các dự án tưởng như "không tưởng"


Đối với bất kỳ một doanh nhân nào, ý tưởng luôn là vấn đề quan trọng. Steve Jobs từng nói, “hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn”.

Với 10 triệu USD, Jobs đã mua lại công ty đồ họa của George Lucas khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ, sau đó ông đổi tên thành Pixar. Năm 2006, ông bán Pixar cho tập đoàn Walt Disney với giá 7,4 tỉ USD và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Disney với 7% cổ phiếu, tương đương 3 tỷ USD. Mặc dù nhiều người biết đến ông qua những thành công trên lĩnh vực công nghệ, nhưng mảng hoạt họa cũng là một nguồn thu lớn của Jobs.

9. Hãy làm chủ thông điệp


Không phải tất cả các sản phẩm sáng tạo dưới thời của Jobs đều chiếm lĩnh thị trường, nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng tiếp nhận chúng. Điều này một phần là bởi Jobs luôn tạo được sự bí ẩn xung quanh các sản phẩm của mình, nó thôi thúc sự thèm muốn của khách hàng khi sản phẩm đó ra mắt.

Và mỗi khi ra mắt, Jobs luôn được giới truyền thông xưng tụng là một doanh nhân diễn thuyết hay nhất thế giới. Với khiếu trình bày bẩm sinh, ông có thể biến màn ra mắt sản phẩm mới thành buổi triển lãm nghệ thuật. Do vậy, dù bạn có trong tay sản phẩm ưu việt nhất thế giới, mà người ta không hứng thú với nó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

10 yếu tố cần thiết khi xây dựng nhóm làm việc

Các công ty ngày nay thường khuyến khích nhân viên làm việc theo nhóm để hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, nhiều nhóm lại không thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Nguyên nhân có thể là do họ không đáp ứng được 1 ( hay một số ) yếu tố cần thiết khi xây dựng nhóm dưới đây:

1. Tất cả vì mục tiêu chung

Dù mỗi người trong nhóm có năng lực và kỹ năng riêng nhưng phải đảm bảo tất cả mọi người đều có cùng hướng đi, đó là đạt được mục tiêu chung. Chỉ cần 1 người trệch khỏi hướng đi chung đó, nhóm khó có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.


2. Tin tưởng lẫn nhau

Một nhóm làm việc ăn ý đòi hỏi mức độ tin tưởng cao giữa các thành viên. Để xây dựng niềm tin, bạn cần phải thực hiện đúng những gì mình đã hứa, giúp đỡ những người khác và đối xử công bằng với mọi người.

3. Tập trung vào giải pháp

Nhiều khi mọi người mải tranh luận, phân tích về vấn đề mà quên mất điều quan trọng là tìm ra cách giải quyết. Do đó, đừng quên thúc đẩy mọi việc tiến lên phía trước bằng cách tập trung vào giải pháp.

4. Phát huy sức mạnh của từng cá nhân

Một nhóm làm việc hiệu quả và ăn ý là sự kết hợp những điểm mạnh của từng cá nhân. Từ đó, hiệu quả đạt được sẽ là lớn nhất.

5. Có trách nhiệm và đáng tin cậy

Đôi khi mọi việc diễn ra không như theo kế hoạch nhưng hãy cố gắng chịu trách nhiệm cho hành động của mình và luôn luôn trung thực. Đây cũng là cách để bạn nhận được sự tôn trọng từ các thành viên khác trong nhóm.

6. Cố gắng từ những thành công nhỏ

Đôi khi mục tiêu cuối cùng có thể quá lớn và khó đạt được ngay. Để quá trình này đơn giản và dễ thực hiện hơn, nhóm nên chia mục tiêu thành những phần nhỏ. Như vậy con đường tiến tới kết quả cuối cùng sẽ rõ ràng hơn.

7. Chia sẻ thành công

Khi mọi việc không như kế hoạch, các thành viên trong nhóm thường có xu hướng chỉ trích lẫn nhau, trong khi đạt được thành công, mọi người lại ít giao tiếp với nhau. Bạn nên hạn chế chỉ trích và tăng cường những lời khen ngợi, động viên, thúc đẩy nhau.

8. Tăng cường sự đoàn kết

Điều này đơn giản là các thành viên trong nhóm tìm hiểu và chia sẻ với nhau những khó khăn và thách thức cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng.

9. Lắng nghe lẫn nhau

Hãy lắng nghe khi thành viên khác đang nói. Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng họ.

10. Xây dựng tầm nhìn xa

Tất nhiên, thành công là mục tiêu cuối cùng của nhóm. Nhưng không phải vì thế mà không tính đến khả năng thất bại cũng như những khó khăn cần vượt qua. Cả nhóm hãy xây dựng một tầm nhìn xa và bao quát để phòng trừ mọi rủi ro cũng như đảm bảo sự thành công cho cả dự án.

7 thói quen của những người làm việc không hiệu quả

Hầu như cả 7 thói quen dưới đây đều dễ dàng trở thành một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày, bạn khó có thể nhận ra chúng, cũng như không thể biết chúng đang tác động tới bạn như thế nào.
1. Không có mặt
Có thể bạn đã từng nghe câu nói nổi tiếng này của Woody Allen: “Tám mươi phần trăm thành công là ở sự có mặt”.
Một trong những điểm đáng kể nhất và cũng đơn giản nhất bạn có thể làm để đảm bảo cho sự thành công của mình, bất cứ trong đời sống xã hội, sự nghiệp hay với vấn đề sức khỏe – rất đơn giản là bạn hãy xuất hiện nhiều hơn. Nếu bạn muốn mình khỏe hơn, cách quan trọng và hiệu quả nhất là hãy có mặt nhiều hơn ở phòng tập thể dục.
Thời tiết có thể không thuận lợi, bạn có thể sẽ không muốn đi và thấy mình có bao nhiêu việc khác phải làm. Nhưng nếu bạn vẫn đi, vẫn xuất hiện tại phòng tập khi động cơ khuyến khích chẳng là bao, bạn sẽ cải thiện được phần lớn tình hình sức khỏe thay vì việc cứ ở nhà và xả hơi trên ghế sôfa.
Tôi nghĩ điều này có thể áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống. Nếu bạn viết hay vẽ nhiều hơn, có thể là hàng ngày, bạn sẽ nhanh chóng cải thiện các kỹ năng đó. Nếu bạn tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, bạn sẽ có nhiều bạn bè hơn. Nếu bạn hẹn hò nhiều, bạn sẽ có cơ hội gặp được một nửa đặc biệt với mình. Hãy để mình có mặt nhiều hơn nữa, bạn sẽ tạo ra được sự khác biệt đáng kể. Không chịu xuất hiện thì cũng có nghĩa, bạn sẽ chẳng đi tới đâu cả.
2. Trì hoãn tới nửa ngày.
Để giải quyết nó, hãy thực hiện những phương pháp sau:
- “Nuốt con ếch”. Điều này có nghĩa, bạn hãy làm một việc khó khăn và quan trọng nhất với mình ngay trong buổi sáng. Một khởi đầu tốt sẽ nâng cánh tinh thần và tạo nên động lực tích cực trong suốt thời gian còn lại của ngày làm việc. Đó thường sẽ là một ngày làm việc rất hiệu quả.
- “Bạn ăn một con voi như thế nào?” Hãy đừng cố nuốt nó trong một miếng lớn. Nó có thể là quá tải với bạn và lại dẫn tới tình trạng trì hoãn. Hãy chia nhỏ công việc thành những bước nhỏ dễ hành động. Sau đó, tập trung vào từng bước và không làm gì khác nữa. Hãy chỉ làm bước đó cho tới khi hoàn thành rồi mới chuyển sang bước tiếp theo.
- “Hãy thiền định một chút” Tôi nhận thấy phép thiền có chỉ dẫn này rất hữu dụng. Sau 20 phút gần như chỉ nằm trên giường và lắng nghe, tôi cảm thấy mình năng động hơn trong suốt vài ngày. Tôi không còn quá mong muốn chìm trong cảm giác trì hoãn hay tìm những gì mới trên các trang web yêu thích của mình nữa.
3. Khi thực sự làm việc, chỉ làm ngay những việc ít quan trọng nhất
Có thể nói, một trong những thói quen dễ dàng nhất để bạn đi vào bế tắc hay trì hoãn, là bạn để mình luôn bận rộn với những việc không quan trọng.
Để hiệu quả hơn, có lẽ bạn cần có một cách quản lý thời gian nào đó. Nó có thể là một cách khá đơn giản như sử dụng quy tắc 80/20 vào thời điểm bắt đầu mỗi ngày. Quy tắc 80/20, hay còn gọi là quy tắc Pareto, như chúng ta đã biết, nói rằng, bạn sẽ nhận được 80% kết quả từ 20% những việc làm và hành động của mình. Vì thế, bạn cần tập trung hầu như toàn bộ năng lượng của mình vào một số ít những việc quan trọng nhất để có được hiệu quả tối ưu nhất.
Khi bạn đã ưu tiên sử dụng quy tắc này rồi, hãy viết ra 3 việc quan trọng nhất bạn cần làm trong ngày. Kế đó, hãy bắt tay vào làm từ trên xuống dưới. Ngay cả khi bạn chỉ có thể hoàn thành được một việc trong số đó, bạn vẫn đã có thể làm được một điều quan trọng nhất trong ngày. Có thể bạn sẽ muốn áp dụng các phương pháp quản lý thời gian khác, nhưng khi tổ chức công việc, vẫn cứ nên ưu tiên hàng đầu cho những việc quan trọng nhất. Có như thế, bạn sẽ không để hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng trôi qua với những công việc bận rộn nhưng lại chẳng hề thiết thực. Hoàn thành mọi việc nhanh hơn sẽ chẳng có tác dụng gì nếu những việc bạn đã làm đó chẳng hề quan trọng.
4. Suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều nhưng lại chẳng chịu hành động. Việc bạn cứ quẩn quanh với những suy nghĩ, phân tích sẽ làm lãng phí thời gian trong đời. Tất nhiên, việc suy nghĩ trước khi làm gì đó chẳng có gì sai. Bạn cần phải nghiên cứu, lập kế hoạch, khám phá các ưu, khuyết điểm tiềm ẩn của vấn đề.
Nhưng việc cứ suy nghĩ, suy nghĩ và lại suy nghĩ chỉ là một cách khác làm lãng phí thời gian của bạn mà thôi. Bạn không thể kiểm tra một vấn đề ở mọi phương diện trước khi bắt tay vào thực sự. Và bạn cũng không thể chờ một thời điểm hoàn hảo nhất để hành động. Thời điểm đó sẽ chẳng bao giờ đến. Và nếu bạn cứ nghĩ mình sẽ đào sâu suy nghĩ hơn rồi mới hành động thì mọi việc sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn. Thay vì thế, bạn hãy ngừng suy nghĩ. Hãy khép lại tâm trí mình và thực sự bắt tay vào những việc cần làm.
5. Chỉ thấy những vấn đề tiêu cực hoặc bất lợi khi xem xét vấn đề nào đó
Khi quan sát mọi vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, bạn sẽ nhanh chóng tạo nên “một hố sâu” trong động cơ hành động. Bạn sẽ thấy trục trặc có ở khắp mọi nơi và những vấn đề rắc rối luôn nảy sinh. Bạn sẽ bị chi phối bởi những tiểu tiết. Nếu bạn muốn tìm lý do để không làm gì thì thái độ này có lẽ không vấn đề gì. Vì lẽ, với cái nhìn tiêu cực, bạn có thể tìm ra hàng chục lý do.
Và khi làm được quá ít việc, bạn lại than vãn kể lể với bất cứ ai sẵn lòng nghe bạn (tất nhiên, với cả những người chẳng thích thú vì với việc đó) về công việc, cuộc sống chán chường cũng như vị sếp đầy khó chịu.
Một giải pháp cho vấn đề này là bạn hãy nhận thức rõ những hạn chế của cách nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực. Thêm nữa, những nhìn nhận của bạn không phải là bức tranh thật 100% về thế giới xung quanh. Thế nên, hãy thử nhìn đời theo những lăng kính khác. Chẳng hạn, bạn có thể tập hình thành thói quen quan sát mọi thứ dưới ánh sáng lạc quan và tích cực hơn, cách làm đó s hữu dụng hơn nhiều. Theo đó, có thể bạn sẽ muốn thử nghiệm những thách thức tích cực. Điều đó hẳn nhiên không dễ dàng, nhưng nếu bạn chấp nhận thử thách và cố gắng chỉ nghĩ tới những điều tích cực trong vòng 7 ngày, nó sẽ cho bạn có dịp nhìn sâu hơn vào việc, quan điểm sống cũng như những tín điều sẽ thay đổi cách nhìn nhận thế giới của bạn như thế nào. Và rồi bạn sẽ thu được những kết quả ra sao.
6. Bám lấy quan điểm riêng và không chịu cởi mở trước những khác biệt bên ngoài
Thật khó để thừa nhận rằng, những gì bạn nghĩ hay những điều bạn tin không phải là những lựa chọn tốt nhất. Thế nên, càng lúc bạn càng trung thành với những suy nghĩ của mình hơn và khép kín đầu óc. Điều này khiến cho việc cải thiện nó trở nên khó khăn, cụ thể là trong việc làm nó hiệu quả hơn. Ngay cả khi thực sự quan tâm tới khả năng bạn có thể thay đổi cuộc sống cũng sẽ trở nên khó khăn hơn trong tình huống này.
Một giải pháp ở đây hiển nhiên là bạn nên cởi mở hơn nữa. Hãy rộng rãi hơn trong suy nghĩ và biết học hỏi từ sai lầm của những người khác, từ sai lầm của chính bạn và từ những nguồn tư liệu khác như sách vở. Dù vậy, điều này nói thì có vẻ dễ, song làm mới thực sự khó. Tôi có một đề xuất ở đây, như tôi đã nói ở thói quen phía trước, bạn hãy nhận ra những hạn chế trong những điều mình biết và cách bạn giải quyết mọi điều. Từ đó, bạn hãy thử chọn một cách làm khác, một cách tiếp cận vấn đề khác.
Có một cách khác nữa là bạn nên chấm dứt việc tập trung quá nhiều vào những suy nghĩ hay cái “tôi” riêng của mình, có như thế, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận và áp dụng những ý tưởng hay tư tưởng mới trong đời sống. Hãy loại bỏ những suy nghĩ lỗi thời, chẳng còn chút hữu dụng. Mặt khác, bạn cũng đừng nên quẩn quanh trong việc đọc, nghĩa là chỉ lo tích lũy thêm các thông tin mới và bạn đơn thuần chỉ là một người chứa đầy những thông tin về kỹ năng sống mà thôi. Hãy sử dụng những thông tin mới đó, áp dụng tất cả những điều đã học được vào hành động cụ thể và thử nghiệm nó.
7. Thường xuyên quá tải thông tin 
Khi nói như vậy tôi không có ý bảo rằng bạn đọc quá nhiều. Mà tôi chỉ muốn nói bạn đưa vào đầu óc mình quá nhiều loại thông tin. Nếu bạn cứ để mọi thông tin tràn ngập trong óc mình thì thật khó có thể suy nghĩ rành mạch. Nó chỉ khiến bạn bị quá tải. Đây là một vài những điều bất lợi tiềm ẩn trong thói quen này:
- Một vài trong số những thông tin bạn có được sẽ trở thành tiêu cực. Các phương tiện truyền thông xung quanh bạn thường đưa ra những vấn đề tiêu cực vì nhiều lý do khác nhau. Nếu bạn không biết lựa chọn những điều mình muốn thâu nạp trong cuộc sống, bạn sẽ bị cuốn theo tâm lý bi quan đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ, cảm giác và hành động của bạn.
- Nó sẽ tạo nên trong bạn mong muốn luôn được cập nhật những gì đang xảy ra, nhưng lại luôn có rất nhiều điều khác xảy ra nữa mà bạn không có khả năng cập nhật. Vậy là nó sẽ tạo nên sự căng thẳng trong đời sống.
- Nó sẽ khiến bạn ngày càng khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định hay hành động nếu trí óc bạn bị bỏ bom với hàng loạt thông tin, hay cố gắng phân loại tất cả. Riêng cá nhân tôi nhận thấy, nếu tôi thu thập quá nhiều thông tin, tôi có thể bị rơi vào tình trạng bị “đơ” về mặt tinh thần. Tất nhiên, sẽ chẳng làm được nhiều điều. Hoặc giả, bạn có thể bị vướng lại với thói quen số 3 và luôn bận rộn, bận rộn ở nhịp độ lớn nhưng với những hoạt động kém ưu tiên.
Để có thể tập trung, suy nghĩ mạch lạc và hành động, việc lựa chọn những thông tin hữu ích cho mình là điều rất quan trọng. Khi công việc của bạn có thể bị ngắt quãng bất cứ lúc nào, hãy tắt điện thoại, tắt internet và đóng cửa. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình làm được nhiều việc hơn khi không phải cứ năm phút lại bị làm phiền một lần, hay có cơ hội trì hoãn để đọc các phần cập nhật tin ở những website ưa thích. 
Ngay bây giờ, tôi đề nghị bạn hãy ngừng lại việc đọc các blog và báo chí. Nhưng hãy nghĩ về những gì bạn thực sự muốn đọc và những gì bạn đọc vì mong muốn thực sự ấy sẽ lấp đầy thời gian của bạn. Sau đó, hãy quan tâm tới những lĩnh vực khác của đời sống khi những cánh cửa khác lại được mở rộng.
Chẳng hạn, hạn không nên để cho những cảm xúc tiêu cực tồn tại xung quanh mình. Nếu những người khác đang trì hoãn hoặc đang tự làm bấn mình vì những việc chẳng mấy quan trọng, bạn sẽ dễ để mình bị ảnh hưởng vì điều đó. Nếu có một cánh cửa, sẽ tốt hơn nếu bạn đóng nó lại và chỉ tập trung vào những điều quan trọng với mình mà thôi.