Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Warren Buffett chọn cổ phiếu như thế nào?


Từ khoản đầu tư đầu tiên vào năm 1965, sau hơn 4 thập kỷ, Warren Buffett đã có trong tay trên 50 tỷ USD và chưa có nhà đầu tư chứng khoán nào vượt qua ông về khả năng sinh lời cho nguồn vốn.

Khi còn nhỏ, Warren Buffett phụ việc trong cửa hàng thịt nhỏ của ông nội và điều này đã dạy cho nhà tỷ phú tương lai giá trị của làm việc chăm chỉ. Cha của ông là một nhà môi giới chứng khoán, vì thế Buffett có cơ hội tiếp cận với ngành này từ rất sớm. Khi ông khởi nghiệp, đầu tư giá trị là một khái niệm ít được biết đến, và chính nhờ thực hiện đầu tư lâu dài này mà Buffett trở thành nhà đầu tư huyền thoại của thế giới.

"Bí kíp" đầu tư của vị tỷ phú chứng khoán đã được trang tin Forexcare hé lộ.

Warren Buffett từng học ở trường Benjamin Graham và thu nạp được từ đây kiến thức về đầu tư giá trị, một khái niệm vẫn còn mới mẻ ở thời điểm ông khởi nghiệp. Nhà đầu tư giá trị tìm kiếm những cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị thực của chúng. Thực ra không có công thức cụ thể nào để tính được giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực ở mức nào. Cách phổ biến nhất là đánh giá các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, và nhà đầu tư giá trị sẽ tìm mua những mã mà họ cho rằng phần lớn những người khác không nhìn ra tiềm năng của chúng.

Nhưng Warren Buffett đẩy cách đầu tư này lên một nấc cao hơn, khi ông không chỉ nhìn nhận cổ phiếu đắt hay rẻ dựa vào sự đánh giá của quy luật cung cầu, mà là khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Thực tế, nhà đầu tư huyền thoại không hề bận tâm đến hoạt động của thị truờng. Khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, ông không quan tâm sau vài năm nữa thị trường có nhận ra giá trị của mã đó hay không, mà là trong những năm tới doanh nghiệp này sẽ kiếm ra bao nhiêu tiền.

Dưới đây là 6 câu hỏi Warren Buffett sử dụng hiện thực hoá quan điểm đầu tư giá trị của mình:

1. Công ty có hoạt động ổn định không?

Nhà đầu tư trứơc hết nhìn vào ROE, bởi đôi khi lợi nhuận trên cổ phiếu (ROE) được coi là lợi nhuận mà cổ đông có đựoc từ khoản đầu tư của mình. Nó cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư có thể thu lợi từ cổ phiếu. Buffett luôn nhìn vào ROE để biết doanh nghiệp mục tiêu có hoạt động ổn định và có hiệu quả so với các doanh nghiệp cùng ngành hay không.

2. Công ty có tránh được tình trạng nợ quá lớn không?

Tỷ lệ vốn trên cổ phần là một yếu tố quan trọng khác mà Buffett thường xem xét rất kỹ lưỡng. Nhà đầu tư giá trị sẽ tìm mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có khoản nợ nhỏ, như vậy có nghĩa là lợi nhuận sẽ chủ yếu bắt nguồn từ vốn của cổ đông chứ không phải từ vốn vay.

3. Biên lợi nhuận có cao không? Có khả năng tăng nữa không?

Khả năng sinh lời của một doanh nghiệp phụ thuộc không chỉ vào biên lợi nhuận tốt mà còn vào mức tăng ổn định của biên lợi nhuận này. Để biết đựoc chính xác sức khỏe của doanh nghiệp, cần nhìn lại biên lợi nhuận trong vòng 5 năm gần nhất. Biên lợi nhuận lớn cho thấy doanh nghiệp hoạt động tốt, và lãnh đạo doanh nghiệp rất có khả năng điều hành và quản lý chi phí.

4. Công ty đã trở thành doanh nghiệp đại chúng bao lâu?

Buffett chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp đã chào bán cổ phần rộng rãi được ít nhất 10 năm. Vì thế, những công ty mới thực hiện IPO đều không lọt vào "mắt xanh" của ông. Buffett hoàn toàn có lý do để đưa ra tiêu chí này, bởi nhà đầu tư giá trị chỉ nhắm đến những doanh nghiệp đã được thời gian thử thách và vẫn đang bị thị trường định giá thấp.

5. Sản phẩm của công ty có phụ thuộc vào loại hàng hoá nào không?

Tiêu chí này thoạt nhìn có vẻ cực đoan, nhưng thực tế Buffett thường tránh những doanh nghiệp có sản phẩm kém nổi bật so với các đối thủ cùng ngành và lại phụ thuộc nhiều vào các nguyên nhiên liệu đầu vào như dầu mỏ hay khí đốt. Ông quan niệm, nếu doanh nghiệp không có gì khác biệt so với các đối thủ thì cũng ít có khả năng sinh lời vượt bậc.

6. Giá cổ phiếu có thấp hơn giá trị thực đến 25% không?

Sau khi tìm được những cổ phiếu đáp ứng được cả 5 câu hỏi ở trên, thì nhà đầu tư phải trả lời câu hỏi cuối cùng và cũng là khó nhất này. Phát hiện cổ phiếu đang bị định giá thấp cũng chính là kỹ năng quan trọng nhất của Buffett. Để trả lời câu hỏi này, nhà đầu tư cần phân tích một loạt dữ liệu cơ bản của doanh nghiệp (lợi nhuận, doanh thu và tài sản) và giá trị thanh khoản - doanh nghiệp này có giá bao nhiêu nếu nó được bán lại khi phá sản. Giá trị thanh khoản không bao gồm thương hiệu của doanh nghiệp.

Khi tính xong các giá trị này, Buffett so sánh với vốn hoá hiện tại của doanh nghiệp. Nếu giá trị theo tính toán của ông cao hơn vốn hoá thị trường ít nhất 25% thì đó chính là doanh nghiệp đáng được ông đầu tư. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng toàn bộ bí quyết thành công Warren Buffett lại nằm ở cách ông tính giá trị của những doanh nghiệp trong "tầm ngắm".

Thu Nga
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/C...9/09/3BA13693/

Brownian motion: Chuyển động Brown

Brownian motion – tiếng Việt: chuyển động Brown – mô phỏng chuyển động của các hạt trong môi trường lỏng (chất lỏng hoặc khí) và cũng là mô hình toán học mô phỏng các chuyển động tương tự.
Đây là một quá trình ngẫu nhiên biến thực duy nhất có các tính chất như sau:
(i) Với mọi t0<t1<…<tn các biến ngẫu nhiên {(Wti-Wti-1), i=1,2,…,n} là độc lập xác suất
(ii) Với mọi 0<s<t, Wt-Ws ~ N(0,t-s)
(iii) Wt là biến liên tục theo thời gian t (-h.c.c.)
(iv) W0=0 (-h.c.c)
Chuyển động Brown được phát hiện lần đầu năm 1827 khi nhà thực vật học người Scotland Robert Brown quan sát sự chuyển động của các hạt phấn hoa trong cốc nước. Chúng liên tục lắc lư, chuyển động một cách ngẫu nhiên và dường như không bao giờ dừng lại ngay cả khi cốc nước được giữ yên gần như tuyệt đối.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các giả thuyết cũng như chứng minh sự tồn tại của chuyển động Brown.
  • Năm 1905, A. Einstein bằng những tính toán xác suất thống kê sử dụng thuyết động học phân tử đã giải thích rằng, sự nhảy nhót của các hạt phấn hoa được gây ra bởi chuyển động hỗn độn không ngừng của các phân tử nước. Và ông đã thành lập được những định luật toán học chi phối chuyển động của chúng.
  • Đặc biệt, Nobert Wiener – nhà toán học người Mỹ – đã thực sự chỉ ra sự tồn tại của chuyển động Brown. Để ghi nhận công lao này, một chuyển động Brown đơn giản nhất trong các lớp chuyển động Brown đã được dùng để mang tên ông, gọi là Quá trình Wiener.
Đã có rất nhiều chương trình nghiên cứu về thị trường cổ phiếu được thực hiện và phát triển xoay quanh mô hình chuyển động Brown. Chẳng hạn, theo một phân tích thống kê đối với thị trường cổ phiếu New York được thực hiện bởi R. N. Mantegna, những biến động hàng ngày của chỉ số giá được phân bố theo một phân bố bền Levy và mật độ phổ của chỉ số giá là gần với mật độ phổ trong chuyển động Brown. Một nghiên cứu khác là công trình của William Smith, người đã sử dụng phương pháp chuyển động Brown để phân tích các hiệu ứng ổn định giá trong đầu tư khi nhu cầu là bất định. Ông đã khảo sát các đặc điểm của sự đầu tư khi giá là ngẫu nhiên, ngoài sự phụ thuộc vào giá trần ngoại sinh. Với các phương trình toán học của chuyển động Brown, ông đã tính ra rằng, những điều khiển giá sẽ làm giảm nhẹ sự phản ứng của việc đầu tư đối với những thay đổi về giá, thậm chí cả khi những điều khiển là không bắt buộc. Những kết luận được rút ra có thể áp dụng cho bất cứ trạng thái kinh tế nào liên quan đến những chi phí cho việc điều chỉnh các cổ phiếu khi giá là bất định nhưng phụ thuộc vào sự điều khiển của chính phủ.
Chuyển động Brown là một trong những hiện tượng vật lý được ứng dụng thành công nhất vào ngành kinh tế học, cụ thể là nhánh khoa học tài chính.
* Nguồn: saga.vn, đăng lần đầu ngày 28-5-2007